Tân Trụ

Tân Trụ
Huyện
Huyện Tân Trụ
Một con đường nông thôn ở huyện Tân Trụ
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
TỉnhLong An
Huyện lỵthị trấn Tân Trụ
Trụ sở UBNDThị trấn Tân Trụ
Phân chia hành chính1 thị trấn, 9 xã
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDTrương Thanh Liêm
Bí thư Huyện ủyTrương Thanh Liêm
Địa lý
Tọa độ: 10°38′B 106°16′Đ / 10,64°B 106,26°Đ / 10.64; 106.26
MapBản đồ huyện Tân Trụ
Tân Trụ trên bản đồ Việt Nam
Tân Trụ
Tân Trụ
Vị trí huyện Tân Trụ trên bản đồ Việt Nam
Diện tích106,5 km²[1]
Dân số (2019)
Tổng cộng66.502 người [1]
Mật độ624 người/km²
Khác
Mã hành chính805[2]
Biển số xe62-H1
Websitetantru.longan.gov.vn

Tân Trụ là một huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Long An, Việt Nam.

Huyện Tân Trụ thuộc vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long kẹp giữa hai con sông Vàm Cỏ ĐôngVàm Cỏ Tây. Huyện có vị trí địa lý thuận lợi do nằm gần thành phố Tân AnThành phố Hồ Chí Minh nên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội, du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử.

Địa lý

Tân Trụ thuộc vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long kẹp giữa hai công sông Vàm Cỏ ĐôngVàm Cỏ Tây, là một huyện nằm phía Đông Nam của tỉnh Long An[1], có vị trí địa lý:

Huyện Tân Trụ diện tích 106,50 km², chiếm 2,37% diện tích tự nhiên của tỉnh, được chia ra 10 xã và 01 thị trấn. Thị trấn Tân Trụ là trung tâm kinh tế, chính trịvăn hoá của huyện.

Tân Trụ có vị trí địa lý rất thuận lợi. Từ Thị trấn Tân Trụ trung tâm của huyện cách thành phố Tân An của tỉnh khoảng 20 km về phía Tây và cách Thành phố Hồ Chí Minh chỉ khoảng 40 km về phía Nam.

Lịch sử

Tân Trụ là quận của tỉnh Tân An từ ngày 20 tháng 11 năm 1952, gồm có 2 tổng: An Ninh Hạ với 6 làng, Cửu Cư Hạ với 6 làng.

Từ năm 1965, căn cứ Sắc lệnh 143/SL, ngày 22 tháng 2 năm 1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, về việc sửa đổi ranh giới các tỉnh Nam phần, thành lập tỉnh Long An, theo đó quận Tân Trụ thuộc tỉnh Long An, các làng gọi là xã. Sau năm 1965, các tổng mặc nhiên giải thể.

Sau năm 1975, Tân Trụ là huyện của tỉnh Long An, gồm 11 xã: An Nhựt Tân, Bình Lãng, Bình Tịnh, Bình Trinh Đông, Đức Tân, Lạc Tấn, Mỹ Bình, Nhựt Ninh, Nhơn Thạnh Trung, Quê Mỹ Thạnh và Tân Phước Tây.

Ngày 11 tháng 3 năm 1977, hợp nhất huyện Tân Trụ với huyện Châu Thành thành huyện Tân Châu.[3]

Ngày 19 tháng 9 năm 1980, Hội đồng Chính phủ Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 298-CP, đổi tên huyện Tân Châu thành huyện Vàm Cỏ.[4]

Ngày 14 tháng 1 năm 1983, sáp nhập xã Nhơn Thạnh Trung về thị xã Tân An.[5]

Ngày 4 tháng 4 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 36/HĐBT[6], chia lại huyện Vàm Cỏ thành 2 huyện cũ: Châu Thành và Tân Trụ. Huyện Tân Trụ bao gồm 10 xã: Nhựt Ninh, Tân Phước Tây, Bình Trinh Đông, An Nhựt Tân, Mỹ Bình, Quê Mỹ Thạnh, Lạc Tấn, Bình Tịnh, Đức Tân và Bình Lãng với 10.269,56 ha diện tích tự nhiên và 60.149 nhân khẩu.

Ngày 23 tháng 11 năm 1991, thành lập thị trấn Tân Trụ trên cơ sở một phần diện tích và dân số của 2 xã: Đức Tân và Bình Tịnh, huyện Tân Trụ có 1 thị trấn và 10 xã.

Ngày 1 tháng 1 năm 2020, sáp nhập xã Mỹ Bình và xã An Nhựt Tân thành xã Tân Bình, huyện Tân Trụ có 1 thị trấn và 9 xã như hiện nay.[7]

Hành chính

Một góc thị trấn Tân Trụ

Huyện Tân Trụ có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Tân Trụ (huyện lỵ) và 9 xã: Bình Lãng, Bình Tịnh, Bình Trinh Đông, Đức Tân, Lạc Tấn, Nhựt Ninh, Quê Mỹ Thạnh, Tân Bình, Tân Phước Tây.

Điều kiện tự nhiên

Khí hậu

Khí hậu của huyện Tân Trụ thuộc vùng nhiệt đới cận xích đạo gió mùa, với hai mùa khô và mùa mưa tương phản. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 10; mùa khô bắt đầu tư tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau. Mùa mưa ở Tân trụ thường đến sớm hơn và chấm dứt sớm hơn các huyện phía Bắc của tỉnh Long An[1].

Tổng lượng mưa trung bình nhiều năm khoảng 1.900 mm, tập trung vào các tháng 6,7,8,9 và 10, chiếm khoảng 90% lượng nước mưa (khoảng 1.500 - 1.600 mmm). Lượng mưa phân bố không đều trong năm: mùa mưa chiếm 85 - 90% lượng mưa cả năm.

Từ tháng 9 đến tháng 10 có lượng mưa lớn trùng với mùa lũ nên thường xảy ra ngập úng. Về mùa khô lượng mưa thấp. Mưa ít nhất vào các tháng 2 và 3, vào thời điểm này hầu như không có mưa. Lượng bốc hơi ngược lại, cao ở mùa khô, chiếm tới 67 - 68% tổng lượng bốc hơi cả năm. Điều này thường xảy ra quá trình oxy hóa tầng phèn làm tăng hàm lượng SO4 và Al2O3 gây ra độc hại cây trồng và vật nuôi[1].

Chế độ mùa mưa là yếu tố khí hậu cơ bản tạo ra sự tương phản giữa 2 mùa khô và mùa mưa. Sự tương phản về mùa trong năm chi phối các yếu tố khí hậu khác: chế độ nhiệt, chế độ nắng và chế độ mưa.

Nhiệt độ không khí trung bình xấp xỉ 270C, nhiệt độ trung bình thấp nhất từ 15 - 170C, thường xảy ra vào tháng 12, trung bình cao nhất từ 31,5 - 320C, thường gặp vào tháng 3 - 4 hàng năm.

Ẩm độ không khí cũng chênh lệch cao giữa mùa mưa và khô. Độ ẩm trung bình 79,5%. Nhưng thời điểm thấp nhất chỉ có 20%, cao nhất đạt tới xấp xỉ 100%.

Chế độ nắng khá dồi dào, trung bình 2.700 giờ/năm, từ 7- 8 giờ/ngày. Số giờ nắng trung bình nhiều nhất vào các tháng đầu mùa mưa (tháng 1,2,3), ít nắng nhất vào các tháng giữa mùa mưa (tháng 7,8,9)[1].

Hướng gió cũng thay đổi theo mùa, với hai chế độ: chế độ gió mùa mưa và mùa khô. Vào mùa khô, gió chủ yếu thịnh hành theo hướng Đông Bắc, với tốc độ trung bình 5 – 7 m/s. Tân Trụ ít có bão, tuy nhiên đôi khi ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới, có mưa lớn xảy ra.

Nhiệt độ không khí ổn định là một ưu thế của khí hậu, thuận lợi để tăng năng suất sinh học và cây trồng nông nghiệp. Tuy nhiên, chế độ khí hậu tương phản theo mùa đã gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống con người, đặc biệt là thiếu nguồn nước ngọt trong mùa khô.

Đất đai

Đất ở Tân trụ thuộc loại đất phù sa. Đất phù sa được chia làm ba loại. Trong đó, đất phù sa đang phát triển có 4.362 ha, chiếm 41%; đất phù sa đang phát triển điển hình có 2.384 ha, chiếm 22,4%. Đất phèn có sáu loại. Trong đó, đất phèn nhẹ có 1.650 ha, chiếm 15,5%, đất phèn nhẹ nhiễm mặn có 1.200 ha, chiếm 11,3%. Đất phèn nhiễm mặn nặng có 237 ha, chiếm 2,2% diện tích[1].

Tiềm năng lớn nhất của huyện Tân Trụ là đất đai. Trong đó nông nghiệp đến năm 2000 có khoảng 8.968 ha, chiếm trên 84% diện tích tự nhiên, đất ở có 506 ha, chiếm 4,8% diện tích đất tự nhiên, đất chuyên dùng khoảng 378,4 ha chiếm 3,6%.

Trong thời kỳ năm 1995 - 2000, sử dụng đất đai của huyện theo hướng tận dụng nguồn tài nguyên đất đai sẵn có vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đất chưa sử dụng giảm dần từ 847,8 ha năm 1995 giảm xuống còn 788 ha năm 2000, tốc độ giảm bình quân 1,45/năm trong vòng 5 năm. Tỷ lệ đất chưa sử dụng trong tổng diện tích đất tự nhiên giảm từ 8,2% năm 1995 xuống còn 7,4%. Diện tích đưa vào sản xuấtxây dựng cơ sở hạ tầng tăng lên. Đất đưa vào sản xuất nông nghiệp tăng lên 264,7 ha trong vòng 5 năm. Đất chuyên dùng bình quân tăng 2,6%/năm, trong đó đất sử dụng xây dựng và thổ cư tăng bình quân 11,1% thời kỳ 1996- 2000[1].

Đất phát triển các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất tăng 3,85%/năm trong cùng thời kỳ. Tương ứng với tăng diện tích thủy lợi, diện tích nông nghiệp cũng tăng bình quân 0,6%/năm, trong đó diện tích cây lâu năm tăng 7%/năm trong cùng thời kỳ. Trong cùng thời kỳ này, diện tích đất ở tăng bình quân 1,6%/năm, trong đó diện tích đất ở nông thôn tăng 1,62%/năm và đất ở đô thị tăng 1,24%/năm.

Thực trạng sử dụng đất đai trong huyện, theo kết quả điều tra kinh tế xã hội huyện Tân Trụ năm 2000 cho thấy: đất trồng luá chiếm 94% tổng diện tích đất nông nghiệp, đất màu chiếm 1,6%, đất chăn nuôi chiếm 1,8%, đất dành cho nuôi trồng thủy sản chiếm 1,2%.

Nguồn nước

Nguồn nước mặt trên địa bàn huyện Tân Trụ khá phong phú. Hầu như Tân Trụ được bao quanh bởi hệ thống hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Phía sông Vàm Cỏ Đông là 15,5 km và phía sông Vàm Cỏ Tây là 20 km.

Đồng Tháp Mười có tổng lượng trung bình hàng năm khoảng 460 tỷ m3 là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sông Vàm Cỏ Tây về mùa khô. Ngoài ra, còn sông Nhật Tảo cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nguồn cung cấp thêm nước mặt cho sản xuất và đời sống của con người.

Nguồn nước mưa

Do chế độ mưa phân phối không đồng đều nên thường gây ra úng cục bộ trong mùa mưa và thiếu nước ngọt trong mùa khô. Nước mưa là nguồn chủ yếu được trữ để sinh hoạt cả năm.

Nguồn nước mặn

Tân Trụ nằm giữa hạ lưu của sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, cho nên ảnh hưởng chế độ bán nhật triều biển Đông khá mạnh. Vào mùa khô, nước mặn từ cửa Soài Rạp theo cửa sông chảy vào hệ thống kênh nội đồng làm cho quá trình nhiễm mặn xảy ra. Tuy nhiên, nguồn nước mặn cũng là một lợi thế để phát triển sinh thái ngập mặn về thủy sản và lâm nghiệp.

Nguồn nước ngầm

Theo tài liệu đánh giá của Liên đoàn địa chất thủy văn và địa chất công trình năm 1998 cho thấy:

  • Các tầng chưa nước nông có chất lượng trung bình và kém, hầu như bị nhiễm phèn, không sử dụng trực tiếp được.
  • Các tầng ở độ sâu 280 - 320 m có chất lượng nước trung bình và tốt có thể cung cấp cho sinh hoạt con người.

Thủy văn

Chế độ thủy văn của huyện chịu tác động mạnh của chế độ bán nhật triều của Biển Đông.

Vào mùa khô thủy triều đưa nước mặn từ cửa Soài Rạp vào nội đồng. Ở hệ thống sông Vàm Cỏ Tây (tại Bến Lức) có số ngày nhiễm mặn khoảng 130 - 160 ngày. Ở hệ thống sông Vàm Cỏ Tây đô mặn S 2g/lít, thường xuất hiện trễ hơn ở sông Vàm Cỏ Đông 12- 20 ngày (xuất hiện vào giữa tháng 2). Ngược lại, vào mùa mưa chế độ dòng chảy chịu tác động của lũ từ hệ thống sông Tiền tràn qua khu vực Đồng Tháp Mười gây ra úng nhiều nơi trên địa bàn.

Mực nước giữa sông Vàm Cỏ Tây và sông Vàm Cỏ Đông chênh nhau khoảng 0,15m. Lợi dụng sự chênh lệch này, vào mùa khô có thể lấy nước tự chảy từ sông Vàm Cỏ Tây vào khu vực nội đồng thuận lợi hơn phía sông Vàm Cỏ Đông. Vào mùa mưa có thể tiêu nước qua sông Vàm Cỏ Đông dễ dàng hơn phía sông Vàm Cỏ Tây.

Địa hình và địa chất

Địa hình

Địa hình của huyện Tân Trụ khá bằng phẳng, hơi nghiêng về phía Đông, độ cao trung bình là + 0,85 m.

Địa chất

Địa chất của huyện thuộc loại đất phù sa mới được bồi đắp trên nền đất mềm yếu.

Di tích lịch sử

Trên địa bàn huyện có một số di tích lịch sử như:

  • Vàm Nhựt Tảo-nơi người anh hùng Nguyễn Trung Trực đốt cháy tiểu hạm Espérance (Hy Vọng) của Pháp ngày 10 tháng 12 năm 1861;
    Khu di tích Vàm Nhựt Tảo
  • Di tích cách mạng Đám lá tối trời thời kháng chiến chống Mỹ,
  • Di tích lịch sử trận đánh Pháp, chợ Mỹ Bình năm 1946;
  • Miếu thờ Phúc thần Mai Bá Hương- người tuẫn tiết cùng đoàn thuyền vận lương triều đình nhà Nguyễn năm Ất Dậu 1765.
    Miếu Ông Bần Quỳ

Kinh tế

Trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng quá cao, trong khi đó công nghiệp còn quá thấp. Đến năm 2000, cơ cấu kinh tế của huyện với khu vực I là 65,4%, khu vực II là 12,8%, khu vực III là 21,5%.

Hướng phát triển của huyện là đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp bằng cách phát triển các ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, với quy mô vừa và nhỏ ở các vùng nông thôn.

Dân số và nguồn nhân lực

Thực trạng phát triển dân số thời kỳ 1991 - 2000:

Theo số liệu thống kê, dân số huyện Tân Trụ năm 2000 là 61,4 ngàn người, trong đó nữ 31,2 ngàn người chiếm 52% và chiếm 4,6% dân số toàn tỉnh. Mật độ dân số khoảng 564 người/km². Dân số Tân Trụ chủ yếu cư trú vùng nông thôn với hơn 54 ngàn dân, chiếm 90% dân số huyện, dân thành thị chỉ 6,0 ngàn người, chiếm 10% dân số.

Dân số từ 15 tuổi trở lên có khoảng 35 ngàn người, chiếm gần 60% dân số toàn huyện. Đây là một nguồn lực quan trọng đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Tốc độ tăng dân số bình quân của huyện là 0,6%, là một trong những huyện có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất (trung bình chung của tỉnh là 1,55%).

Thực trạng lao động, việc làm thời kỳ 1991 - 2000.

  • Lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế xã hội của huyện đến năm 2000 có khoảng 35.620 người. Trong đó, lực lượng trong độ tuổi có 31.915 người, chiếm 52% tổng dân số huyện và chiếm 90% lực lượng lao động hoạt động trong các ngành kinh tế- xã hội.
  • Lao động có việc làm thường xuyên khoảng 33.305 người, chiếm 93,5% lực lượng lao động toàn xã hội. Lực lượng lao động thiếu việc làm khoảng 4.863 người, chiếm 13,7% lực lượng lao động toàn xã hội. Lực lượng không có việc làm khoảng 2.315 người, chiếm 6,5% lực lượng lao động xã hội.
  • Cơ cấu sử dụng lao động trong các ngành nông lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng 77,1%, các ngành công nghiệp chỉ khoảng 12,7%, các ngành dịch vụ chiếm gần 10,2%.
  • Điều tra lao động theo thành phần kinh tế cho thấy, chủ yếu là thành phần cá thể, chiếm gần 82%, công chức Nhà nước chiếm trên 14%, lao động trong các xí nghiệp tư nhân không đáng kể.

Giao thông thủy lợi

Huyện Tân Trụ có vị trí khá thuận lợi, cách Thành phố Tân An 15 km về phía Tây, cách Thành phố Hồ Chí Minh 40 km về phía Bắc. Từ trung tâm huyện có đường ôtô nối với Quốc lộ 1quốc lộ 50. Sông Vàm Cỏ ĐôngVàm Cỏ Tây bao boc̣ hai bên, thuận tiện cả về giao thông thủy bộ.

Nguồn nước tưới được cung cấp thường xuyên bởi hai con sông Vàm Cỏ ĐôngVàm Cỏ Tây. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn nhiều nhánh sông như: sông Nhật Tảo, sông Tân Trụ và hệ thống kênh rạch chằng chịt như mạng nhện.

Hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo cơ bản khép kín thông qua việc thi công các cống đầu mối (sông rạch thông ra Sông vàm Cỏ Đông và vàm Cỏ Tây) và đê bao ven sông. Hiện nay ngăn được lũ và triều cường, chống được mặn xâm nhập vào nội đồng, chủ động tưới tiêu tương đối tốt.(cần bổ sung thêm về dự án)

Chú thích

  1. ^ a b c d e f g h Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của huyện Tân Trụ Lưu trữ 2012-12-10 tại Wayback Machine, theo website.
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ Quyết định 54-CP năm 1977 về việc hợp nhất một số huyện thuộc tỉnh Long An do Hội đồng Chính phủ ban hành
  4. ^ Quyết định 298-CP năm 1980 về việc chia huyện Mộc Hoá thuộc tỉnh Long An thành huyện Mộc Hoá và huyện Tân Thạnh và đổi tên huyện Tân Châu cùng tỉnh thành huyện Vàm Cỏ do Hội đồng Chính phủ ban hành
  5. ^ Quyết định 05-HĐBT năm 1983 về việc phân vạch địa giới một số huyện, xã và thị xã thuộc tỉnh Long An do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
  6. ^ Quyết định 36-HĐBT năm 1989 về việc phân vạch địa giới hành chính huyện Vàm Cỏ thuộc tỉnh Long An do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
  7. ^ “Nghị quyết số 836/NQ-UBTVQH14 năm 2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Long An”.