Sữa tắm

Các loại sữa tắm
Sữa tắm dạng thạch

Sữa tắm (tiếng Anh: shower gel, body wash) là sản phẩm chuyên dụng dạng lỏng để làm sạch cơ thể khi tắm. Khác với bánh xà phòng, sữa tắm không chứa chất xà phòng hóa mà sử dụng các chất tẩy rửa tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ hoặc thực vật.

Các loại sữa, gel tắm có độ pH thấp hơn xà phòng truyền thống nên gây khô da ít hơn. Một số thương hiệu có thể thêm natri stearat vào hỗn hợp để tạo ra dạng gel tắm rắn.

Lịch sử

Sữa tắm là một phát minh phái sinh từ xà phòng khi nó ra mắt lần đầu vào những năm 1800. Năm 1865, William Shepphard đã có bằng sáng chế cho công thức làm xà phòng dạng lỏng,[1] nhưng tới năm 1898 sản phẩm mới trở nên phổ biến khi B.J. Johnson ra mắt xà phòng Palmolive.[2]

Thành phần

Sữa tắm có thành phần cơ bản giống như xà phòng, đó là nước, betainenatri laureth sulfat (hay SLS). Sự khác biệt chính giữa hai dòng sản phẩm này nằm ở chất hoạt động bề mặt, một hỗn hợp có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt giữa các chất, giúp nhũ hóa và rửa trôi bụi bẩn. Chất hoạt động bề mặt ở sữa tắm không phát sinh từ quá trình xà phòng hóa, tức phản ứng của dầu hoặc mỡ với kiềm, mà từ các chất tẩy rửa tổng hợp có nguồn gốc thực vật hoặc dầu mỏ. Việc này làm cho chỉ số pH của sữa tắm thấp hơn[3] và gây khô da ít hơn.[4] Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đặc tính này đồng thời mang lại cảm giác "không sạch" so với xà phòng.[5]

Chất hoạt động bề mặt có thể chiếm đến 50% hàm lượng gel tắm, còn lại là nước, các chất làm đặc, bảo quản, nhũ hóa, tạo hương và thêm màu.[6][7] Nhiều chất hoạt động thường được kết hợp sử dụng để đạt thành phẩm mong muốn, ví dụ chất chính đóng vai trò tạo bọt và làm sạch, còn các chất thứ cấp giúp xoa dịu bề mặt da, ngăn ngừa kích ứng. Để ngăn chặn thành phần sữa tắm bị phân tách, các chất nhũ hóa như diethanolamine sẽ được thêm vào.[8] Một số loại dầu dưỡng cũng có thể được dùng kèm để tạo ẩm cho da trong và sau khi sử dụng sữa tắm.[9][10]

Tham khảo

  1. ^ “On This Day – August 22 : The first patent for liquid soap was issued to William Sheppard on this day in 1865- Learn Chemistry”. www.rsc.org (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2018.
  2. ^ “The Cleanest Inventions: Soaps and Detergents”. ThoughtCo. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2018.
  3. ^ Pai, Deanna (23 tháng 11 năm 2016). “Please Help Me Understand Why You Still Use Bar Soap”. Glamour. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2018.
  4. ^ “Try these 11 expert tips for a better shower; your skin will thank you”. NBC News (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2018.
  5. ^ “Why you shouldn't *actually* want to be squeaky-clean after a shower”. Well+Good (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2018.
  6. ^ Hornsey, Sally (2014). How to Make Your Own Soap. London, England: Constable & Robinson. tr. 24, 198. ISBN 9781908974235.
  7. ^ Flick, Ernest (1992). Cosmetic and Toiletry Formulations, Second Edition, Volume 2. Park Ridge, New Jersey: Noyes Publications. ISBN 0815513062.
  8. ^ Boyd, Christopher (4 tháng 8 năm 2014). “EXAMINE THE CHEMISTRY OF BODY WASH”. www.chemservice.com. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2018.
  9. ^ “Cosmetic Formulations – Body Wash – Chemists Corner”. chemistscorner.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2018.
  10. ^ Guarnieri, Anne-Marie (6 tháng 1 năm 2014). “Bar soap vs. shower gel: A brief look at the history of how we bathe”. Fashion. Truy cập ngày 25 tháng 7 năm 2018.