Nguyễn Thế Lâm (1918–2011) là một tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là Tư lệnh đầu tiên của Liên khu 5, Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Tăng –Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông tên thật Nguyễn Kèn, còn được gọi là Lâm Kèn, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1918 tại Tân Xuân, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Ông thuộc thế hệ tiền bối của Quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều trọng trách từ những ngày đầu của Kháng chiến chống Pháp cho đến ngày Thống nhất đất nước như Chỉ huy Đội quân Nam tiến Huế tháng 10 năm 1945, Tư lệnh Liên khu 5 từ tháng 8 năm 1947, Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Đại đoàn 320 từ năm 1953, Tư lệnh Pháo Binh từ 1964, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Mặt trận Thừa Thiên Huế từ năm giữa 1968, Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Tăng – Thiết giáp 1970.
Ông được trao hàm Đại tá Chỉ huy Trung đoàn "Tiếp phòng quân"[1] tại Đà Nẵng sau Hiệp định đình chiến tháng 3 năm 1946. Và chính thức mang quân hàm Đại tá trong đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân đội. Năm 1974 trong đợt phong hàm tướng lần đầu sau 2 cuộc kháng chiến, ông nhận quân hàm Thiếu tướng.
Binh nghiệp
Theo Bách khoa Quân sự Việt Nam,[2] vào tháng 8 năm 1945 ông là ủy viên BCH Việt minh và ủy viên Quân sự tỉnh Thừa Thiên.
Tháng 10 năm 945 đại đội trưởng trong đoàn quân Nam tiến.
1946–1947 Phó Chi đội trưởng, trung đoàn trưởng trung đoàn 81.
23 tháng8 năm 1947 ông đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 51 được cử làm Khu phó Khu 6.[3]
Từ 1948 phó khu trưởng rồi khu trưởng khu 6, quyền tư lệnh rồi tư lệnh Liên khu 5.[4]
Ngày 7/6/1949 ông Nguyễn Thế Lâm, quyền Tư lệnh miền Nam Trung Bộ, được cử giữ chức Ủy viên Quân sự trong Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ thay ông Lê Đức Mai (từ chức).[5]
Từ 1952 phó đại đoàn trưởng rồi đại đoàn trưởng Đại đoàn 320.[6]
Tháng 11 năm 1954 tham mưu phó Bộ tư lệnh Pháo binh.[7]
1964 tư lệnh Binh chủng pháo binh.
1968 trở lại chiến trường miền Nam, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân khu Trị Thiên.[8]
1970–1974 tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp.
1974 Ủy viên Hội đồng khoa học Bộ QP.[9]
1979–1981 Học viện QS cao cấp.
Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương quân công hạng 1,2.
Ông mất ngày 22 tháng 12 năm 2011 tại Hà Nội.
Chú thích
- ^ Ngược Bắc Xuôi Nam, Nhà xuất bản Trẻ, trang 75. Theo Hồi ký của ông, sau Hiệp định Sơ bộ ký với Pháp ngày 6-3-1946, quân Tưởng buộc phải rút khỏi Đà Nẵng, 1 Trung đoàn của ta (trước đó gọi là Chi đội II sau thành Trung đoàn 7) vào thay quân Tưởng làm nhiệm vụ tiếp phòng với 1000 quân viễn chinh Pháp, vừa buộc Pháp phải thi hành hiệp định vừa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
- ^ Bách khoa Quân sự Việt Nam, 1996, trang 567.
- ^ Sắc lệnh 70
- ^ Tháng 8-1947, tại hội nghị cán bộ quân chính toàn miền Nam Trung Bộ (Liên khu 5) do ông Phạm Văn Đồng chủ trì, đã công bố quyết định của Trung ương hợp nhất 3 khu 5, 6, 15 (Tây Nguyên) thành Liên khu 5, tức Quân khu 5 ngày nay. Các ông Nguyễn Chánh, Trần Lương, Nguyễn Thế Lâm, Nguyễn Nên, Nguyễn Đôn được cử vào Bộ Tư lệnh đầu tiên của Liên khu 5. Ông Nguyễn Chánh làm Chính ủy, Nguyễn Thế Lâm Quyền Tư lệnh.
- ^ Sắc lệnh 46
- ^ Theo Hồi ký của ông, sau chiến dịch Hòa Bình, ông về làm Đại đoàn phó 308 với Vương Thừa Vũ Đại đoàn trưởng, Song Hào Chính ủy. Đây là thời kỳ đang có cố vấn Trung Quốc giúp chỉnh huấn chính trị. Ông dự hết lớp chỉnh huấn thì chuyển sang làm Đại đoàn phó Đại đoàn Đồng bằng 320 do ông Văn Tiến Dũng Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Vũ Oanh Phó Chính ủy, Phùng Thế Tài Tham mưu trưởng. Gần đến chiến dịch Điện Biên Phủ ông Văn Tiến Dũng lên nhận nhiệm vụ Tổng Tham mưu trưởng, Thế Lâm được cử làm Đại đoàn trưởng, Phùng Thế Tài Đại đoàn phó, Lê Ngọc Hiền Tham mưu trưởng (hai ông này về sau là Thượng tướng, Tổng Tham mưu phó).
- ^ Theo hồi ký của ông, Pháo binh, binh chủng đầu tiên của Quân đội, là nơi ông ở lâu nhất trong đời bộ đội Cụ Hồ, 1954-1968. Từ 1954-59 ông làm Tham mưu phó, không có Tham mưu trưởng. Ngày đầu, ông Nguyễn Chánh chuyển về làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, ông Lê Thiết Hùng Tham mưu trưởng, Thế Lâm Tham mưu phó, ông Phạm Ngọc Mậu Chủ nhiệm Chính trị. Tuy nhiên thực tế, ông Nguyễn Chánh chưa kịp về Pháo binh thì đã được chuyển sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ. Hai ông Lê Thiết Hùng và Phạm Ngọc Mậu trở thành Tư lệnh và Chính ủy. Năm 1959 Nguyễn Thế Lâm đi học 5 năm tại Học viện Pháo binh-Tên lửa Liên Xô, về nước năm 1964 được bổ nhiệm Tư lệnh thay ông Lê Thiết Hùng đi làm Đại sứ tại Triều Tiên. Sau khi ông Phạm Ngọc Mậu chuyển qua Cục Cán bộ, ông đã làm chung với các Chính ủy Lê Hiến Mai, Lê Quang Hòa, Nguyễn Xuân Hoàng, Tạ Xuân Thu, Thạch Tâm.
- ^ Sau Mậu Thân, vào giữa 1968, sau những trân chiến kéo dài, một số chỉ huy mặt trận cần được ra Hà Nội chữa bệnh, là tư lệnh chiến trường Trị Thiên-Huế Trần Văn Quang, Phó Tư lệnh Đặng Kinh. Ông Hoàng Sâm Tư lệnh QK 3 vào thay Tư lệnh, Nguyễn Thế Lâm Tư lệnh Pháo binh vào thay Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng. Ông Hoàng Anh Bí thư Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm các chức vụ: Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu.
- ^ Trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Thế Lâm được điều về Hội đồng khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch. Tham gia Hội đồng có các ông Nguyễn Bá Phát Tư lệnh Hải quân, Lê Văn Tri Tư lệnh Phòng không-Không quân, Doãn Tuế Tư lệnh Pháo binh, Nguyễn Hữu Xuyến Tư lệnh chiến trường Nam bộ, Hồng Sơn Cục trưởng Quân huấn, Đoàn Huyên Cục trưởng Cục Khoa học…
Tham khảo