Ngựa bạch Việt Nam

Một con ngựa bạch Việt Nam đang được nuôi tại Trung Sơn Trầm, Sơn Tây

Ngựa bạch Việt Nam hay còn gọi đơn giản là ngựa bạch (có ý chỉ về ngựa bị bạch tạng) là một giống ngựa sắc trắng có xuất xứ từ Cao Bằng và là dòng ngựa quý, hiếm, có số lượng rất ít ở Việt Nam hiện nay, được phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi Đông Bắc Việt Nam, phân bố chủ yếu ở ba tỉnh Đông Bắc là Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang. Chúng được nuôi nhiều nhất ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng SơnCao Bằng.

Ngựa bạch được coi là ngựa thuốc quý hiếm để nấu cao ngựa bạch[1]. Chúng thường được sử dụng để bán lấy thịt và nấu cao, có thể dùng thịt và xương để làm thuốc chữa bệnh, do nhiều người săn lùng ngựa bạch để nấu cao nên số lượng ngựa bạch đã giảm sút[2] Đây là giống vật nuôi quý hiếm được nhà nước Việt Nam công nhận là một giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam[3], giá ngựa bạch giống bình thường từ 20 đến 25 triệu đồng/con[4].

Đặc điểm

Di truyền

Ngựa bạch xuất hiện là do sự đột biến của nguồn gen, do đột biến kiểu gen EDNRB quy định màu lông trắng giữa ngựa bạch và ngựa bạch tạng ở khu vực miền núi Đông Bắc Việt Nam[5]. Đây chính là sự kết hợp của hai nguồn gen bệnh vốn có của loài ngựa để ra loại hình ngựa bạch, ngựa bạch là con ngựa bệnh tương tự như con người bị bệnh bạch tạng. Tỷ lệ ngựa bạch so với các thứ ngựa khác chỉ chiếm 1/100, khoảng 100 cá thể ngựa đực cái thì mới sinh ra một con ngựa bạch. Trong thực tế các con ngựa bạch đều không khỏe và rất hay chết yểu[6], trong một quần thể ngựa bao giờ ngựa trắng các loại cũng ít hơn các loại ngựa màu sắc khác.

Ở một số vùng núi hẻo lánh, nơi có đường sá giao thông không thuận lợi việc giao lưu chưa được rộng rãi, nên tỷ lệ ngựa màu trắng có thể cao hơn, đó có thể là do nguyên nhân giao phối cận huyết lâu dài của một quần thể ít được chọn lọc. Tại Việt Nam, phương thức chăn nuôi thả rông ở các tỉnh miền núi mang tính phổ biến, còn ở các tỉnh trung du chăn dắt là phổ biến. Do việc phối giống tự nhiên là hoàn toàn ngẫu nhiên và không có sự tác động kiểm soát của con người dẫn đến mức độ cận huyết cao. Riêng ngựa cái bạch là được theo dõi và phối giống có chọn lọc với những đực bạch giống tốt, nhưng chỉ ở các Trung tâm nghiên cứu, việc quản lý đực giống và ghép đôi giao phối được kiểm soát chặt chẽ mới khống chế được yếu tố cận huyết.

Thể vóc

Ngựa bạch Việt Nam
Cận cảnh một con ngựa bạch Việt Nam

Ngựa bạch có tầm vóc nhỏ, con trưởng thành chỉ nặng khoảng 150–180 kg. Chúng chỉ còn tồn tại ở những nông hộ nuôi nhỏ lẻ, không được chăm sóc hợp lý nên thể vóc của chúng rất nhỏ. Chúng có ngoại hình vuông đứng, chưa cân đối, cao vây thấp hơn cao khum một chút, bụng to, ngực lép. Toàn thân ngựa từ lông mình, bờm, lông đuôi, từ màu mắt đến móng chân đều trắng hoặc trắng hồng, tai ngựa nhỏ và cuộn tròn rất xinh, toàn thân ngựa da có màu trắng hồng hoặc trắng mây, da ngựa trắng hồng hay hồng nhuận, xung quanh viền mắt màu hồng, có màu đồng thau, con ngươi có màu đỏ hồng, ban đêm soi đèn có màu đỏ rực, 2 mắt có màu trắng mây hoặc trắng cùi nhãn, xung quanh vành mắt có một vành màu đồng lửa bao con ngươi. Cả bốn móng có màu trắng ngà, các lỗ tự nhiên như bộ phận như mũi, miệng, bộ phận sinh dục đều có màu hồng nhuận[7][8].

Đặc điểm màu sắc ngựa bạch cũng dễ bị nhầm lẫn với màu sắc hai loại ngựa là ngựa màu xám trắng (do gen G quy định), ngựa này khác với ngựa bạch là ở quanh miệng, mũi, mắt có màu đen. Ngựa có màu trắng sữa, khác ngựa bạch là chúng có màu mắt xanh và màu lông, da vẫn tồn tại màu vàng nhạt, mầu này dễ nhầm với mầu trắng. Trên 90% ngựa bạch có thể chất thanh săn. Màu sắc lông da trên 90% ngựa có màu trắng ánh vàng và trắng tuyền. Tuy nhiên, ngựa bạch đực có màu trắng ánh vàng cao hơn ở ngựa bạch cái[9] Để phân biệt giữa ngựa bạch và ngựa trắng thường (ngựa kim) khá đơn giản. Ngựa bạch khác ngựa trắng thường ở chỗ tất cả chín lỗ đều màu trắng hồng đồng thau trong khi ngựa trắng thường thì vành mắt đen, hai mắt có mầu trắng mây, xung quanh con ngươi có một vành mầu đồng lửa, các lỗ tự nhiên còn lại đều có mầu hồng đỏ, 4 chân móng trắng ngà, toàn thân màu trắng, da hồng nhuận, lông trắng cước.

Một con ngựa bạch tốt và chuẩn là con ngựa đó cần có mắt thau đồng, móng trắng, môi trắng hồng, không có đốm đen, buổi tối soi trước bóng đèn thì thấy hai mắt ngựa đỏ rực như than lửa. Bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc[10], lông trắng cước, da trắng hồng. Đặc biệt 12 giờ trưa ngựa Bạch có hiện tượng mù mầu trong khoảng 30 phút, thông thường những ngày trời nắng từ 11h30’ đến 13h30’ khi ánh nắng mặt trời gần như vuông góc với mặt đất thì ngựa bạch bị mù màu không phân biệt đường đi.

Một con ngựa khoẻ mạnh phải có vóc dáng cao lớn, lông trắng sáng, mắt hồng, móng hồng và da cũng màu hồng[11], ngựa bạch tốt phải hội tụ đủ các yếu tố như mắt có màu trắng mây, xung quanh con ngươi có vành màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng mắt bị lòa, thậm chí trong đêm, mắt bắt ánh sáng đèn đỏ như đốm lửa[12], con ngựa đó cần có mắt thau đồng, móng trắng, môi trắng hồng, không có đốm đen, buổi tối soi trước bóng đèn thì thấy hai mắt ngựa đỏ rực như than lửa[4]. Người mua ngựa bạch, ngựa kéo nếu am hiểm thường chọn mua ngựa có khoáy đóng đều, khép kín, không loạn khoáy, kiêng mua những chú ngựa có khoáy xuyên tông, lầu tẩy vì nó sẽ đem lại điều không may mắn, của nả đi sạch cửa nhà[13]

Chúng có vẻ đẹp của con ngựa có màu lông trắng, mắt hồng, da hồng, vóc dáng thanh thoát và đặc biệt rất hiền lành. Ngựa có khả năng làm việc tốt, chịu kham khổ, xương ngựa bạch dùng để nấu cao làm thuốc bồi bổ sức khoẻ. Nếu để ăn thịt thì đừng nên mua ngựa bạch mà hãy tìm mua ngựa thường mà thịt vì giá rất rẻ mà cùng là loài ngựa cả, giống nhau, ngựa bạch là ngựa cảnh, ít phải leo đồi, thồ hàng xương cốt chắc không thể bằng ngựa thồ được. Cùng là loài ngựa, bạch hay thường không khác nhau[14].

Tập tính

Ngựa bạch có tác phong chậm chạp, nó chậm nhưng khỏe. Giống ngựa quý này tính vốn lì hơn ngựa thường nên bao giờ cũng có cái dáng chậm rãi. Tập tính của ngựa bạch chậm hơn ngựa thường nên mới nhìn tưởng chúng yếu sức nhưng thực ra không phải vì chúng đi lì hơn, tập tính cũng hiền hơn, chúng lành tính nên cũng ít xảy ra ẩu đả kể cả mùa động dục[15] Chúng bệnh tật rất ít, thường chỉ mắc các bệnh thông thường như đầy hơi, chướng bụng, hoàn toàn dễ chữa khỏi. Tuy nhiên chúng thích nghi với thời tiết mùa hè kém hơn nhiều so với trâu, bò, ngựa bạch là giống không chịu được trời quá nóng[16]

Ngựa giống mua về chăm sóc khoảng 1 năm là bán được, còn ngựa con chăm sóc 1 năm rưỡi đến 2 năm là bán được, ngựa bạch cứ trung bình khoảng một năm rưỡi sinh một lứa[12]. Tập tính sinh sản của ngựa không lung tung như trâu, bò, chúng không bao giờ phối giống với những con cùng huyết thống, kể cả sau khi bán xa vài năm nó cũng nhận được mặt, mùi của những con cùng chung máu mủ này. Giống ngựa này rất quý chủ, chỉ cần nhìn thấy chủ từ xa hay ngửi mùi mồ hôi quen thuộc là chúng hí, vung vẩy đuôi, rũ rũ bờm, mừng vui ra mặt. Và cũng chỉ có chủ mới có thể đến gần chải bờm, tắm rửa, bứt cỏ non cho chúng ăn nên tuy thả rông người nuôi vẫn yên tâm không sợ mất ngựa[12].

Chế độ ăn

Ngựa bạch Việt Nam có chế độ ăn đa dạng

Ngựa bạch là loài dễ nuôi, không phải lo chuyện ăn uống nhiều, chúng ăn được tất cả các loại cỏ, tuy quý hiếm nhưng cũng rất dễ ăn, chúng ăn tất cả những thứ cây cỏ mà ngựa thường có thể ăn được, bạ cây cỏ gì chúng cũng ăn nhưng đặc biệt là một số loại thảo dược mọc hoang trên núi, thậm chí ăn được cây chuối như lợn, chuối băm trộn lẫn cám. Là loại đại gia súc sống nhiều ở vùng núi nên chăm sóc chắc cũng không khó, cho ngựa ăn đủ thức ăn gồm rau, cỏ, lá ngô kết hợp với thức ăn tinh như cám gạo, cám ngô[11]. Giống ngựa với bộ lông trắng muốt này ít khi bị dịch bệnh, mùa mưa ăn cỏ, mùa khô thiếu thức ăn thì chúng ngốn cả thân ngô hay vỏ đậu xanh mà vẫn chẳng nề hà, chẳng bị bệnh tật[14]

Việc chăm sóc giống ngựa bạch Việt Nam không quá cầu kỳ, chỉ tốn nhiều thời gian, hàng ngày ngựa ăn cỏ lúc 10h và 17h, đến 14h ăn cám. Hầu hết các loại cây cỏ chúng đều ăn được nên khi ở ngoài đồng hay các triền núi chúng tự đi tìm thức ăn, cứ khoảng 5-7 ngày ngựa nhớ nhà thì tự trở về, lúc đó mới cho chúng ăn thêm ít cám hay hèm bia. Chỉ đến lúc sinh sản, để tăng cường sức đề kháng cho ngựa mẹ và ngựa con mới cần bổ sung thêm một số khoáng chất hay thuốc bổ và thuốc sổ giun cho ngựa, giống ngựa bạch thả rông thường rất khỏe mạnh, chẳng mấy khi mắc bệnh[12].

Có ngộ nhận về ngựa bạch như buổi trưa ngựa bị quáng gà chẳng nhìn thấy lối đi nhưng thực tế không chỉ nhìn đường, chúng còn phân biệt rõ khóm cỏ nào non, khóm nào già để vục mõm vào ăn[15] Người nuôi ngựa cũng phải nắm rõ tính cách của từng con., có con hiền lành, có con dữ hơn. Một rổ trấu chỉ dành riêng cho một con ngựa bạch to khỏe nhất đàn. Rổ còn lại thì cho các con khác[14].

Tình hình

Phân bố

Ngựa bạch là loại hiện có số lượng rất ít hiện nay, được phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang, chỉ có khoảng 400–500 con, chiếm 0,3–0,5%0 trong tổng đàn ngựa hiện nay. Trong nhân dân, ngựa Bạch được coi là tài sản quý của mỗi gia đình. Có 70-80% ngựa tại vùng miền núi là sinh sản tự nhiên. Viện chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp điều tra từng công bố số lượng ngựa bạch Việt Nam còn 300 con[9] trong khi Hội Chăn nuôi Việt Nam thì cho rằng còn khoảng 500 con ngựa bạch[6] Trại ngựa trắng Bá Vân là nơi nuôi dưỡng hơn 100 con ngựa bạch thuần chủng đạt tiêu chuẩn được nghiên cứu chăm sóc đặc biệt và nhân giống bảo tồn nguồn gen ngựa quý của Việt Nam[9]

Xã Hữu Kiên thuộc Chi Lăng, Lạng Sơn là địa phương sở hữu nhiều ngựa bạch nhất Việt Nam với trên 130 con trong tổng số chừng 400-500 con ngựa bạch trên toàn quốc. Đặc biệt hơn, đồng bào dân tộc nơi đây còn có những cách chăm ngựa bạch, tạo giống ngựa bạch, nấu cao ngựa bạch. Nghề nuôi ngựa từ lâu rất phát triển ở Hữu Kiên, hiện địa phương này có trên 700 con ngựa, đặc biệt hơn trong đó có khoảng trên 130 con là ngựa bạch.[15] Ở vùng Hữu Kiên có đồi cỏ tốt bời bời, dân cư thưa thớt, nương rẫy ít nên có nghề chăn ngựa dạng cha truyền con nối nhờ sự biệt lập ấy mà đàn ngựa bạch được nuôi dưỡng một cách tự nhiên nhất, tạo nên những chú ngựa bạch hoàn hảo nhất. Và núi đồi hiểm trở lại biến thành địa linh nơi bạch mã tung hoành khi xã Hữu Kiên có những lúc số lượng ngựa bạch lên tới 400 con, chiếm gần 1/3 trong tổng số ngựa nơi đây. Còn vào thời điểm cuối năm 2013 thì số lượng ngựa bạch ở xã Hữu Kiên là 340 con.[14].

Hiện nay, tổng đàn ngựa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 2.950 con, trong đó ngựa bạch chiếm gần 20%. Số ngựa bạch cũng không ngừng tăng lên qua các năm, chẳng hạn như xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn có khoảng hơn 10 hộ dân nuôi gần 100 con ngựa; huyện Pác Nặm và Ba Bể cũng có hơn 200 con.[4] Tuy nhiên, đa số giống ngựa bạch được mua từ Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, thậm chí ở Trung Quốc nên nguồn gốc và bệnh dịch khó được kiểm soát, nhiều người dân vẫn chăn nuôi mang tính tự phát, không có kỹ thuật hay kinh nghiệm chăm sóc[4]

Nguy cơ

Ngựa Bạch chịu kham khổ tốt, có thể phát triển tốt ở các tỉnh miền núi. Ngựa Bạch còn được coi là dược liệu quý hiếm (hay còn gọi là thần dược) dùng vào việc bồi bổ, nâng cao thể lực, chữa trị một số chứng bệnh nan y cho con người. Ngựa bạch được coi là nguồn dược liệu dùng vào việc bồi bổ, nâng cao thể lực, chữa trị một số chứng bệnh nan y cho người. Số lượng ngựa bạch hiện nay không còn nhiều do bị săn tìm để giết thịt, năng suất sinh sản của ngựa cũng đang giảm sút do việc chọn lọc, quản lý đàn ngựa bạch không được chú trọng. Tuy nhiên thời gian gần đây, cũng có người đi nuôi và mua ngựa bạch để lấy cao[7] Giống ngựa bạch càng trở nên hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao bởi khả năng sinh sản thấp với lại giá trị dược liệu quý nên ngựa Bạch bị khai thác rất mạnh. Ở Việt Nam ngựa bạch được quý trọng thứ 2 sau hổ, vì vậy có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Một con ngựa bạch đang được nuôi bảo tôn

Theo Hiệp hội Thú y Việt Nam, hiện nay ngựa bạch đang trên đà tuyệt chủng chỉ còn khoảng 500 cá thể. Hội Thú Y Việt Nam đã cùng với Trại ngựa Bá Vân hợp tác duy trì nòi giống, tỉ lệ đẻ của ngựa bạch chỉ khoảng 20-25% tổng cái sinh sản. Hiện nay Hội Thú Y Việt Nam đã xây dựng một cơ sở chăn nuôi tại xã Yên Mỹ - Thanh Trì – Hà Nội đang nuôi 40-50 con ngựa bạch nhằm giữ giống và phát triển phục vụ cộng đồng. Những con không đẻ được, đủ tiêu chuẩn nấu cao sẽ được nấu theo quy trình dân gian 7 ngày 7 đêm. Hiện nay có một số hộ dân ở các tỉnh cũng biết chăn nuôi ngựa bạch. Trong đó, ở làng Phẩm xã Dương Thành - Phú Bình có những hộ đã thành công trong việc nhân giống ngựa bạch với hơn 200 ngựa.

Những năm gần đây, để bảo tồn gen giống ngựa bạch đã có hai trại nuôi ngựa bạch là dự án Bá Vân tại thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên (15 cá thể) và dự án tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn (50 cá thể). Hai trung tâm này đang tích cực gây giống và bảo tồn ngựa bạch bằng phương pháp lai tạo với giống ngựa bạch Tây Tạng[17] Một số quốc gia trên thế giới đã xếp ngựa bạch vào danh sách cần được bảo vệ. Ở Việt Nam, chưa có quy định về việc bắt giữ người sát hại, tàng trữ, mua bán trái phép ngựa, xương ngựa bạch, cao ngựa bạch. Hoạt động kinh doanh, chế biến các sản phẩm ngựa bạch trong đó có cao ngựa bạch cũng chưa được nghiêm cấm, hoặc siết chặt quản lý. Khả năng ngựa bạch trong tự nhiên sẽ nhanh chóng tuyệt chủng trong sự thờ ơ của các ban, ngành quản lý và tiêu thụ của những người đang mê muội tin vào thứ thần dược trị bách bệnh cao ngựa bạch.[17]

Lai tạo

Trước đây, do có giá trị kinh tế cao nên ngựa bạch không được lai tạo với bất kỳ giống ngựa nào khác[2] Ngày nay, do nhu cầu thị trường mà việc lai tạo đã phổ biến hơn. Có một số phương pháp tạo ra ngựa trắng hay ngựa bạch. Sử dụng ngựa bạch mẹ phối với ngựa bạch bố sinh ra ngựa bạch con. Có cách khác là chọn những con ngựa cái hởi (màu vàng vàng), ngựa cái kim (màu đen trắng) cho lai ở vòng sơ khảo, những con chọn được rồi ban đêm chủ nhân ra chuồng ngựa cầm đèn pin soi vào mắt ngựa, thấy mắt đỏ lừ như hòn than đang cháy mới giữ lại còn không phải đem loại. Những con ngựa hởi, ngựa kim có đặc điểm mắt đỏ ấy phối với ngựa bạch đực sẽ sinh ra ngựa bạch ngoài ra có thể cho ngựa bạch mẹ đem phối với ngựa đực thường cũng sinh ra ngựa bạch.[15]. Một thời cao ngựa được săn lùng ráo riết nhưng ngựa bạch đực lại vô cùng khan hiếm. Đã có lúc tìm cả xã chỉ được vài chú ngựa bạch đực trưởng thành, còn lại thì toàn ngựa cái. Tình trạng mất cân bằng giới tính như vậy đã dẫn tới việc để có giống thuần chủng, chủ ngựa cái phải đặt gạch ở những nhà có ngựa bạch đực đến cả tháng[14]

Người ta cũng lai giống ngựa bạch Việt Nam với giống ngựa bạch Tây Tạng, do đặc thù ngựa bạch Việt Nam nhỏ nên trang trại đã nuôi thêm ngựa Tây Tạng để cải tạo nhân giống.[9], ngựa bạch Tây Tạng con trưởng thành có thể nặng đến 350 kg, gấp đôi ngựa bạch Cao Bằng của Việt Nam. Một con ngựa Tây Tạng trưởng thành có thể nấu được 7 kg cao trong khi ngựa bạch Cao Bằng chỉ nấu được 3,5 kg.[16] Ngựa bạch Tây Tạng có giá cả trăm triệu đồng một con. Với những con ngựa bạch trưởng thành nặng trên 300 kg,vào thời điểm năm 2013 có giá khoảng 200 triệu/con. Do quen sống ở xứ lạnh như vùng cao nguyên Tây Tạng nên giống ngựa bạch này về Việt Nam gặp thời tiết nóng của mùa hè là rất dễ chết.

Chăn nuôi

Ngựa bạch Việt Nam đang kiếm ăn

So với giống ngựa thông thường, ngựa bạch được người mua ưa chuộng hơn, đặc biệt trong vài năm trở lại đây, giống ngựa bạch chiếm số lượng nhiều hơn hẳn trong tổng đàn, nhiều người chọn mua ngựa bạch phần vì ngựa bạch đẹp mã hơn[8]. Việc chăm sóc giống ngựa này cũng rất nhàn, người nuôi không cần phải chăn hằng ngày như trâu, bò, mà thả chúng đi rông tự nhiên. Vào mùa đông lạnh thì hạn chế tắm và thả rông. Ngựa nuôi 10 tháng là trưởng thành, nuôi thêm 1 năm có thể sinh sản. So với các loài vật nuôi truyền thống khác, việc nuôi ngựa bạch không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật, vừa tận dụng được diện tích chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, số vốn đầu tư ban đầu để nuôi ngựa bạch không nhiều, quá trình nuôi hoàn toàn có thể tận dụng các loại thức ăn tự nhiên sẵn có như cỏ, lá ngô kết hợp với ngô hạt hoặc thóc xay[18]

Có cách nuôi ngựa kì lạ của người dân xứ Lạng với cách chăn thả và nuôi nhốt rất cẩn thận của chủ trại bởi giá một chú ngựa bạch rất cao nhưng ngựa bạch ở xã Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn người dân lại có một cách nuôi lạ. Người nuôi ngựa nơi đây để cho chú ngựa của mình tự phát triển ở nơi đồi núi, nếu nói ngựa bạch ở nơi đây là ngựa hoang, ngựa ở nơi đây được nuôi từ rất nhiều năm trước và ngựa bạch được chuộng nhân giống vì có giá thành cao. Ở đây ngựa tự đi kiếm cái ăn, chúng có thể đi cả tuần, cả tháng mới trở về nhà. Vào mùa gặt thì mới phải chăn thả cẩn thận hơn, không hiếm trường hợp trong khi lang thang ở các khu đồi núi, ngựa bị ngã hay trượt chân xuống hố, nếu có người phát hiện sớm thì cứu được nhưng cũng có khi là bỏ mạng vì chấn thương, những chú ngựa ở nơi này tự quyết định mạng sống của mình ở vùng đồi núi hoang vu này[14]

Thị trường

Ngựa bạch là giống ngựa quý hiếm, có thể dùng thịt và xương để làm thuốc chữa bệnh, giá của một con ngựa bạch giống bình thường dao động từ 20 đến 25 triệu đồng, đối với ngựa trưởng thành có thể bán ra thị trường với giá khoảng 50 đến 70 triệu đồng/con. Giá cao ngựa bạch thị trường hiện là trên 1 triệu đồng/lạng[4]. Trước đây giá trị một con ngựa bạch chỉ ngang ngựa thường vì người ta không biết nấu cao cũng chẳng dám ăn thịt chúng mà chỉ sử dụng để thồ hàng. Giờ cao ngựa bạch được ưa, người dân mới gây thêm giống cho đàn ngựa bạch trở nên đông đúc. Cứ mỗi một năm rưỡi, mỗi chú ngựa cái lại cho ra một lứa ngựa bạch mới có giá trị rất cao.

Mỗi chú ngựa bạch được dân buôn thu mua từ 40-50 triệu tùy theo độ tuổi, cân nặng, có những lái buôn vào tận nơi để ra giá cho đàn ngựa. Một con ngựa bạch mới tách mẹ hiện có giá từ 20-22 triệu đồng/con, ngựa được 1-2 năm tuổi giá từ 25-30 triệu. Nuôi vỗ béo thu lãi từ 1,5-2 triệu đồng/con/tháng. Ngày càng có nhiều người tìm mua ngựa bạch để làm thuốc chữa bệnh nên giá ngựa đã tăng 4-5 lần so với năm 2004. Một con ngựa bạch mới tách mẹ hiện có giá từ 20-22 triệu đồng/con, ngựa được 1-2 năm tuổi giá từ 25-30 triệu. Nuôi vỗ béo sau 4-5 tháng là bán theo mức 500 nghìn đồng/kg ngựa hơi. Trung bình thu lãi từ 1,5-2 triệu đồng/con/tháng. Hiện ngựa bạch giống dao động từ 20 - 25 triệu đồng/con[12].

Nhiều năm trở lại đây, ở các huyện vùng cao của tỉnh Bắc Kạn như Pác Nặm, Ba Bể, Na Rì, Ngân Sơn đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nuôi ngựa bạch cho hiệu quả kinh tế cao, giống ngựa này ít bệnh tật, không mất nhiều công chăm sóc do nguồn thức ăn dồi dào vì có thể lấy trong rừng hay trồng ở vườn nhà. Trước đây ngựa bạch phần lớn được nhập về từ Trung Quốc, người dân địa phương chỉ nuôi thương phẩm để nấu cao hay trung chuyển, buôn bán với các địa phương khác. Tại xã Ngọc Lý, Thái Nguyên giá ngựa bạch được bán theo nhu cầu thị trường. Tức là khi ngựa bạch ở mức bình thường thì dao động từ 50–60 triệu đồng/con đực, 30–40 triệu đồng/con cái. Nhưng khi ngựa bạch đã khan hiếm thì giá trị có thể lên tới 80 triệu đồng/con không kể là cái hay đực[7]

Một số hộ ở Việt Yên (Bắc Giang) mạnh dạn chọn nuôi ngựa bạch, loài gia súc quý hiếm và đang rất có giá trên thị trường như thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên), mô hình nuôi ngựa bạch được nhân rộng ở thôn Kim Sơn. Hai năm nay, thôn có khoảng 40 hộ thường xuyên nuôi ngựa bạch với đàn ngựa 60-70 con, tổng số tiền mua ngựa giống 1,2-1,5 tỷ đồng, nhiều khách hàng từ Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội đã tìm đến Kim Sơn mua ngựa. Cùng với Kim Sơn, mô hình nuôi ngựa bạch đã xuất hiện ở thôn Ba, xã Việt Tiến (Việt Yên). Quy mô đàn ngựa tại đây dao động từ 50-60 con. Một số hộ có vốn lớn đã nuôi tới 8-10 con/lứa. Nuôi ngựa bạch chủ yếu sử dụng những phụ phẩm nông nghiệp nên rất phù hợp với người dân nông thôn[19]

Ở Khuôn Kén, mỗi hộ, chỉ cần đầu tư từ 10-15 triệu đồng là có thể mua được một con ngựa giống non khoảng 5 tháng tuổi, chăm sóc tốt, sau 3 năm là ngựa cái bắt đầu sinh sản, trung bình ngựa cái sẽ đẻ một con/năm. Ngựa con 5 tháng tuổi là có thể xuất bán giống, nếu nuôi đến khi trưởng thành thì giá trị từ 40 - 45 triệu đồng/con, ngựa đực thì sẽ có giá trị kinh tế cao hơn, trung bình vào khoảng 50 - 60 triệu đồng/con. So với nuôi ngựa thịt hay nuôi trâu, bò thì việc nuôi ngựa bạch khá dễ mà lại yên tâm về đầu ra của sản phẩm, nuôi sáu con ngựa bạch với giá trị gần 200 triệu đồng[20].

Cao ngựa

Cách phân biệt cao ngựa bạch thật giả qua nhận biết màu cánh gián (sẫm hay nhạt là do cách nấu của từng cơ sở), mặt hơi mịn, hơi bóng, cao càng khô độ bóng sẽ giảm. Cao giả là miếng cao trong suốt thì thành phần chủ yếu là sáp ong còn loại cao có nhiều hạt trắng là do người nấu chạy theo lợi nhuận nghiền bã xương đã nấu trộn vào. Thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại cao xương ngựa không rõ nguồn gốc, không nhãn mác và không có hạn sử dụng. Bản chất của cao xương ngựa chỉ là một loại thực phẩm chức năng[17] So với các địa phương khác thì cao ngựa Bắc Giang được đánh giá cao hơn cả về chất lượng. Hiện nay, cao ngựa Bắc Giang đã được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm.

Chú thích

  1. ^ “Kỳ 2: Đi chợ ngựa và tới thăm”. Báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam. Truy cập 2 tháng 6 năm 2014.[liên kết hỏng]
  2. ^ a b Thăm trại ngựa lớn nhất miền Bắc
  3. ^ “Thông tư số 25/2015/TT-BNNPTNT bổ sung Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2016.
  4. ^ a b c d e “Làm giàu với mô hình nuôi ngựa bạch”. Zing.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 11 năm 2016. Truy cập 30 tháng 11 năm 2016.
  5. ^ “Nghiên cứu đa hình kiểu gen EDNRB quy định màu lông trắng của ngựa ở khu vực miền núi Đông Bắc Việt Nam”. Truy cập 30 tháng 11 năm 2016.
  6. ^ a b “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2016.
  7. ^ a b c http://congannghean.vn/phong-su/201401/noi-buon-ngua-bach-446439/
  8. ^ a b http://www.vietnamplus.vn/nam-ngo-nghe-nuoi-ngua-dat-khach-bach-ma-len-ngoi/241841.vnp
  9. ^ a b c d “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2016.
  10. ^ “Làm giàu với mô hình nuôi ngựa bạch”. Zing.vn. 25 tháng 7 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 11 năm 2016. Truy cập 2 tháng 6 năm 2014.
  11. ^ a b “Nuôi ngựa bạch ở Bắc Giang”. Báo Nông nghiệp Việt Nam. 16 tháng 11 năm 2009. Truy cập 30 tháng 11 năm 2016.
  12. ^ a b c d e “Nuôi ngựa bạch ở phường Bùi Thị Xuân”. Báo Bình Định. Truy cập 30 tháng 11 năm 2016.[liên kết hỏng]
  13. ^ “Đi buôn ngựa bạch”. Báo Điện tử Tiền Phong. Truy cập 30 tháng 11 năm 2016.
  14. ^ a b c d e f http://cstc.cand.com.vn/The-gioi-di-thuong/Dan-ngua-bach-lon-nhat-Viet-Nam-va-cach-nuoi-ngua-ki-la-cua-nguoi-dan-xu-Lang-321208/
  15. ^ a b c d “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2016.
  16. ^ a b http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/159676/nguoi-dau-tien-lai-ngua-viet-voi-ngua-bach-tay-tang.html
  17. ^ a b c “Cao ngựa bạch không phải thần dược”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập 30 tháng 11 năm 2016.
  18. ^ “Nuôi ngựa bạch thoát nghèo ở Tân Sơn (Bắc Giang)”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 30 tháng 3 năm 2016. Truy cập 30 tháng 11 năm 2016.
  19. ^ http://nongnghiep.vn/nuoi-ngua-bach-o-bac-giang-post42813.html
  20. ^ “Nuôi ngựa bạch thoát nghèo ở Tân Sơn (Bắc Giang)”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 30 tháng 3 năm 2016. Truy cập 1 tháng 12 năm 2016.