Nam Xang

Nam Xang, biến âm theo tiếng địa phương của Nam Xương, là tên cũ trước đây của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ngày nay. Tên Nam Xương được nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng Chuyện người con gái Nam Xương, câu chuyện xảy ra từ thời Trần, lưu truyền trong dân gian và được Nguyễn Dư được chép lại vào cuối thế kỷ 16 trong tập Truyền kỳ mạn lục.

Nam Xương là một trong 5 huyện của phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội: Nam Xương, Duy Tân (Duy Tiên), Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng khi vua Minh Mạng cho thành lập tỉnh Hà Nội năm 1831 cho tới khi người Pháp tách phủ Lý Nhân ra để thành lập tỉnh Hà Nam.

Thời nhà Lý, nhà Trần vùng đất Hà Nam ngày nay được gọi là châu Lị Nhân. Sử sách còn chép lại các vua Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông từng cho dựng hành cung ở châu Lị Nhân (theo Toàn thư). Chùa Long Đọi được xây dựng từ đời vua Lý Thánh Tông.

Thời Hậu Lê, Lê Thái Tổ chia nước ta thành 4 đạo (Bắc, Nam, Tây, Đông, sau đó đặt thêm Hải Tây đạo gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa). Nam đạo gồm có các trấn: Khoái Châu, Lị Nhân, Tân Hưng, Kiến Xương, Thiên Trường.

Đến đầu thời vua Lê Thánh Tông, nước ta được chia thành 12 đạo: Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hoá, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Trấn Lị Nhân thuộc về đạo Thiên Trường.

Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), các đạo được đổi thành thừa tuyên, trong đó đạo Thiên Trường đổi thành thừa tuyên Sơn Nam gồm 11 phủ (Thường Tín, Ứng Thiên, Lị Nhân, Khoái Châu, Thiên Trường, Nghĩa Hưng, Thái Bình, Tân Hưng, Kiến Xương, Trường An, Thiên Quan) và 42 huyện. Đến những năm Hồng Đức, vua cho vẽ lại bản đồ lại đổi thừa tuyên ra xứ.

Khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xứ Sơn Nam chia làm 2 trấn: Nam Thượng (Thượng trấn) lỵ sở ở Châu Cầu (thành phố Hà Nam ngày nay) và Nam Hạ (Hạ trấn) lỵ sở ở Vị Hoàng. Phủ Lị Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng.

Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), trấn Sơn Nam Thượng lại được gọi là trấn Sơn Nam (nhỏ hơn Sơn Nam thời Lê trước đây), trấn Sơn Nam Hạ đổi tên thành trấn Nam Định. Phủ Lị Nhân được gọi là Phủ Lý Nhân (里仁府) gồm 5 huyện: Nam Xương (南昌), Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm và Bình Lục thuộc về trấn Sơn Nam. Lỵ sở của phủ Lý Nhân được đặt ở Châu Cầu, do vậy nơi đây thường được nhân dân quen gọi là Phủ Lý (cái tên này vẫn được mang theo cho tới nay khi lỵ phủ đã nâng cấp lên thành phố!).

Đến năm 1831, vua Minh Mạng cho thành lập tỉnh Hà Nội, phủ Lý Nhân nhập về tỉnh Hà Nội.

Theo sách "Đồng Khánh địa dư chí- 同慶地輿誌, Nhà xuất bản Thế giới, 2003, trang 77", được soạn thảo vào thời vua Đồng Khánh (1886- 1888) thì Phủ Lý Nhân có 33 tổng, trong đó huyện Nam Xương khi ấy gồm 9 tổng: 1. Trần Xá, 2. Công Xá, 3. Ngô Khê, 4. Trác Bút, 5. Ngu Nhuế, 6. Vũ Điện, 7. An Trạch, 8. Đồng Thủy, 9. Thổ Ốc, 10. Cao Đà Sau này, các tổng Ngô Khê và Trác Bút bị cắt một phần trả về các huyện Bình Lục và Duy Tiên, phần còn lại thành lập các tổng Văn Quan và Mạc Xá.

Năm Thành Thái thứ 3 (1890), phủ Lý Nhân được tách ra khỏi Hà Nội để thành lập tỉnh Hà Nam.

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, tên huyện Nam Xương được chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hòa đổi thành huyện Lý Nhân.

Tham khảo