Lục tự (六寺, Six Courts) là thuật ngữ chỉ sáu cơ quan cao cấp tại triều đình trong các triều đại Việt Nam xưa. Những tự này có nhiệm vụ thừa hành công việc của Lục bộ trao cho.
Đại lý tự (大理寺, Court of Judicial Review) - Đại lý tự là cơ quan có nhiệm vụ xét lại những án nặng đã xử rồi, như án về tử tội hay tội lưu rồi gởi kết quả cuộc điều tra qua bộ Hình để đệ tâu lên vua xin quyết định. Trong lúc xét những tù hiện giam, phải có quan chức của Đại lý tự. Nếu người có tội kêu là xét oan, thì quan chức của Đại lý tự phải cùng người có tội biện bách bẻ bác với nhau. Xong Đại lý tự sẽ cho ý kiến và lập án văn, đưa lên vua xét lần cuối cùng. Nếu có sự kêu ca về bản án đã xử và nếu được sự chấp thuận của bộ Hình, thì án văn sẽ được Ngũ phủ Đô đốc cùng Ngự sử đài hợp với Đại lý tự duyệt lại. Trong tất cả mọi trường hợp, trừ trường hợp án tử hình, bản án xử lại được trao trở xuống theo thứ bực để trừng phạt. Nếu Đại lý tự thấy bản án vô lý một cách hiển nhiên thì sẽ gửi ngay bản án đó cho bản quan khác, hoặc xin quan trong triều định nghị, hoặc sau hết, có thể xin quyết định của vua.
Thái thường tự (太常寺, Court of Imperial Sacrifices) - Thái thường tự là cơ quan phụ trách việc thi hành những thể thức lễ nghi, điều khiển ban âm nhạc, trông coi các đền chùa thờ Trời, Đất, thần 4 mùa. Thái thường tự gồm có 7 thự (quan nha) là:
Giao xã thự (郊社署, Office of the National Altars) - cơ quan phụ trách việc tổ chức lễ tế Trời và tế Đất
Thái nhạc thự (太樂署, Imperial Music Office) - cơ quan trông coi và điều khiển ban âm nhạc
Cổ súy thự (鼓吹署, Office of Drums and Fifes)- cơ quan phụ trách việc đánh trống và thổi sáo
Thái y thự (太樂署、Imperial Medical Office) - cơ quan trông coi về y tế cho vua và toàn quốc. Thời Hậu Lê, cơ quan này được tách ra là viện riêng, gọi Thái y viện
Thái bốc thự (太卜署, Imperial Divination Office) - cơ quan phụ trách việc tính âm dương bói toán.
Quang lộc tự (光祿寺, Court of Imperial Entertainments) - Quang lộc tự là cơ quan phụ trách việc cung cấp và nấu rượu lễ, đồ lễ, đồ ăn trong các bữa tế tự, triều hội, yến tiệc cung đình, yến tiệc ân vinh Tiến sĩ.
Thái bộc tự (太僕寺, Court of the Imperial Stud) - Thái bộc tự phụ trách các trách nhiệm trông coi, nuôi cấp ngựa, giữ gìn những xe ngựa của hoàng tộc (vua và các hoàng tử), và điều hành các mục súc (đồng cỏ để nuôi ngựa) trên toàn quốc.
Hồng lô tự (鴻臚寺, Court of State Ceremonial) - Hồng lô tự phụ trách việc thể thức lễ nghi trong các bữa yến tiệc dành cho những sứ đoàn từ các triều hoặc nước khác đến. Ngoài ra, Hồng lô tự còn phụ trách việc xướng danh các vị tân khoa tiến sĩ đậu kỳ thi Đình. Hồng lô tự gồm có 2 thự (quan nha) là:
Điển khách thự (典客署, Office of Receptions) - cơ quan phụ trách việc tiếp đón và lo cho các sứ đoàn đến từ các nước.
Ti nghi thự (司儀署, Office of Ceremonials) - cơ quan phụ trách việc an táng dành cho các vị đại thần trong triều đình.
Thượng bảo tự (尚寶寺, Court of Imperial Seals) - Thượng bảo tự phụ trách việc văn phòng giúp vua, giữ ấn triện, sao chép sắc chỉ, dụ vua ban hoặc những chương sớ sổ sách đã được vua chuẩn y. Thời Gia Long, Thượng bảo tự là một ty với tên gọi Thượng bảo ty cùng Tam nội viện (Thị thư viện, Thị hàn viện, Nội hàn viện) giúp vua việc văn phòng và ấn tín. Thời NguyễnMinh Mạng 10 (1829), Thượng bảo ty được đổi thành một trong 4 tào tại cơ quan Nội các với tên gọi mới là Thượng bảo tào.
Thời Minh Mạng, các cơ quan Đại lý tự, Thái thường tự, Quang lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự dùng ấn triện bằng đồng, loại ấn là Ấn. Ví dụ, Hồng lô tự chi ấn. Riêng Thượng bảo tự, thời này là Thượng bảo tào, thuộc cơ quan Nội các, nên dùng ấn Nội các chung cho cả bốn tào Nội các, loại ấn là ấn Quan Phòng, với tên là Sung biện Nội các sự vụ Quan phòng 充辨内閣事务關防.[3][4]
Thời Nguyễn, riêng Hồng lô tự (lo việc tiếp đón sứ đoàn các nước) và Thượng bảo tự (lo việc văn phòng, ấn tín giúp vua) có chức trách thường trực, các chức điều hành trong những tự khác như chức Tự khanh, Tự thiếu khanh, Tự thừa thường trao cho các quan trong Lục bộ điều hành tạm thời, không có chức vụ nhất định.[5]
Chú thích
^Tổ chức chính quyền trung ương dưới thời Lê Thánh Tông, Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn, 1963, trang 98
^A Dictionary of Official Titles in Imperial China, Charles O. Hucker, Stanford University Press, 1985