Lý Thủ Lễ

Lý Thủ Lễ
李守禮
Tự Ung vương → Bân vương
Thông tin chung
Sinh672
Trường An
Mất741
Trường An
An tángCàn lăng
Hoàng tộcNhà Đường
Thân phụChương Hoài thái tử Lý Hiền
Thân mẫuLương đệ Trương Thị

Lý Thủ Lễ (672–741) (giản thể: 李守礼; phồn thể: 李守禮) là con trai thứ hai của Lý Hiền.

Cuộc đời

Lý Thủ Lễ sinh vào năm Hàm Hanh thứ 3 (672) dưới thời trị vì của ông nội là Đường Cao Tông, bổn danh là Quang Nhân (光仁), mẹ của ông là Lương đệ Trương thị. Năm Thượng Nguyên thứ 2 (675), hoàng thái tử Lý Hoằng mất, tháng 6 cùng năm cha ông là Lý Hiền được phong làm Hoàng thái tử, địa vị của Lý Quang Nhân theo đó cũng được nâng cao.

Năm Điều Lộ thứ nhất (680), Minh Sùng Nghiễm chết, Võ hậu nghi ngờ là hoàng thái tử mưu sát, sai người đến Đông cung tra xét thì tìm thấy vài trăm bộ áo giáp, Đường Cao Tông do vậy đã phế truất Lý Hiền làm thứ nhân nhưng tạm thời vẫn lưu ông ở lại Trường An. Đến năm Vĩnh Thuần thứ 2 (683), Đường Cao Tông hạ chiếu lưu đày Lý Hiền cùng gia đình đến Ba Châu[1]. Đường Cao Tông băng hà, hoàng thái tử Lý Hiển kế vị, mọi quyền hành đều nằm trong tay của Võ thái hậu. Không bao lâu sau, Trung Tông bị phế truất, Võ thái hậu lập con út là Lý Đán lên ngôi hoàng đế và tiếp tục nắm giữ đại quyền. Ngày 22 tháng 2 (âm lịch), Võ Thái hậu sai Kim Ngô vệ Đại tướng quân Khâu Thần Tích đến Ba Châu giám sát Lý Hiền, Khâu Thần Tích đem Lý Hiền đi nơi khác và lén bức Lý Hiền tự sát, khi đó Lý Quang Nhân mới chỉ 12 tuổi.

Năm Thùy Củng thứ nhất (685), Võ thái hậu truy phong Lý Hiền là Ung vương, cho phép gia quyến được quay về Trường An, cải tên Quang Nhân thành Thủ Lễ, trao chức Thái tử tiển mã (太子洗馬), phong làm Tự Ung vương (嗣雍王), các anh em cùng cha của ông cũng được phong vương: anh cả Lý Quang Thuận (李光順) phong làm Lạc An vương (乐安王) (hoặc là Nghĩa Phong vương 義豐王[2]), em trai Lý Thủ Nghĩa phong làm Vĩnh An vương (永安王). Sau khi Võ thái hậu xưng đế đã ban cho con cháu trực hệ của mình họ Võ, các con của Lý Hiền cũng theo đó cải sang họ Võ, đồng thời cùng các con của Lý Đán bị giam cầm hơn 10 năm trong cung, không được ra ngoài[3]. Do tội của cha ông Lý Hiền mà Lý Thủ Lễ đã phải nhận hình phạt đánh bằng gậy suốt hơn 10 năm.

Năm Thánh Lịch thứ nhất (698), Tắc Thiên hạ chế lập Lư Lăng vương Lý Triết làm Hoàng thái tử, phong hoàng tự Võ Đán làm Tương vương, cho phép gia quyến của Tương vương và Ung vương được ra ngoài cung sống, cải chức Tư nghị lang trung (司議郎中). [4]

Năm Thần Long thứ nhất (705), Trung Tông phục vị, bái Lý Thủ Lễ làm Quang lộc khanh (光祿卿), được cùng sứ giả đến Ba Châu nghênh đón linh cữu của Lý Hiền về kinh. Năm Cảnh Long thứ 4 (710), Trung Tông băng hà, di chiếu phong Thủ Lễ làm Bân vương (邠王), ban cho ông thực phong 500 hộ. [5]

Năm Cảnh Vân thứ 2 (712), Duệ Tông gia thêm chức Tả Kim Ngô vệ đại tướng quân, đại đô hộ Đan Vu. Lúc này, Thái Bình công chúa và Hoàng thái tử Lý Long Cơ tranh đấu gay gắt, để hạ bệ Hoàng thái tử Thái Bình công chúa lấy chuyện "đích thứ" và cho rằng Hoàng thái tử chỉ là dòng thứ, không xứng làm người kế vị. Tể tướng là Tống Cảnh, Diêu Nguyên Chi ngầm nói với Duệ Tông: "Tống vương là con trưởng của bệ hạ, Bân vương là cháu trai cả của Cao Tông, Thái Bình công chúa cố tình chia rẽ quan hệ giữa 3 người, khiến cho Đông cung bất an. Xin bệ hạ cho Tống vương và U vương ra làm thứ sử, bãi chức Tả, Hữu Vũ Lâm của 2 vương Kỳ, Tiết rồi phong họ làm Tả, Hữu suất để bảo hộ thái tử." Duệ Tông làm theo lời của 2 người Tống - Diêu, phong Lý Thành Khí làm thứ sử Đồng Châu, Lý Thủ Lễ làm thứ sử Bân Châu, lại an trí Thái Bình công chúa ở Bồ Châu cách xa kinh thành [6]. Thái Bình công chúa biết được đã vô cùng tức giận, đem chuyện này ra trách móc Hoàng thái tử, Hoàng thái tử sợ hãi bèn nói hai người Tống - Diêu chia rẽ tình cảm cô cháu, anh em và xin Duệ Tông trị tội 2 người họ. Duệ Tông bèn giáng Diêu Nguyên Chi làm thứ sử Thân Châu, Tống Cảnh làm thứ sử Sở Châu và thu hồi lệnh phong chức thứ sử của 2 vương: Tống, Bân.[7]

Năm Tiên Thiên thứ 2 (713), Đường Huyền Tông gia phong ông làm Tư không. Đầu những năm Khai Nguyên, ông đã nhậm chức thứ sử của các châu gồm: Quắc Châu, Lũng Châu, Tương Châu, Tấn Châu, Hoạt Châu[8]. Năm Khai Nguyên thứ 29 (741), Lý Thủ Lễ mất, thọ 71 tuổi, truy tặng Thái úy, bồi táng vào Càn lăng.[9]

Gia đình

  • Thê thiếp:
  1. Phi Phùng thị
  2. Cao Thục Tiêm (高淑嬐), ghi lại trên Đại Đường cố Tế nhân Bột Hải Cao thị mộ chí bia (大唐邠王故细人渤海高氏墓志铭)
  3. Tôn thị
  • Con cái:
  1. Quảng Vũ vương Lý Thừa Hoành (李承宏)
  2. Bí thư thiếu giám Lý Thừa Khiên (李承骞)
  3. Tự Bân vương Lý Thừa Ninh (李承宁)
  4. Đôn Hoàng vương Lý Thừa Thái (李承寀)
  5. Hoa Đình huyện chúa Lý thị
  6. Kim Thành công chúa Lý thị, Đường Trung Tông phong làm công chúa hòa thân với Thổ Phồn.


Tham khảo

  1. ^ 《舊唐書·卷九十·章懷太子傳》: 俄使人發其陰謀事,詔令中書侍郎薛元超、黃門侍郎裴炎、御史大夫高智周與法官推鞫之,於東宮馬坊搜得皁甲數百領,乃廢賢為庶人,幽於別所。永淳二年,遷於巴州。
  2. ^ 《資治通鑑·卷二百四》: 立故太子賢之子光順為義豐王。
  3. ^ 《資治通鑑·卷二百四》: 義豐王光順、嗣雍王守禮、永安王守義、長信縣主等皆賜姓武氏,與睿宗諸子皆幽閉宮中,不出門庭者十餘年。守禮、守義,光順之弟也。
  4. ^ 《舊唐書·卷九十·李守禮傳》: 至聖歷元年,睿宗自皇嗣封為相王,許出外邸。睿宗諸子五子皆封郡王,與守禮始居於外。
  5. ^ 《舊唐書·卷九十·李守禮傳》: 中宗纂位,授守禮光祿卿同正員。神龍中,遺詔進封邠王,賜實封五百戶。
  6. ^ 《資治通鑑·卷二百十》: 璟与姚元之密言於上曰:"宋王陛下之元子,豳王高宗之長孫,太平公主交構其間,將使東宫不安。請出宋王及豳王皆为刺史,罷岐、薛二王左、右羽林,使為左、右率以事太子。太平公主請與武攸暨皆於東都安置。" 二月丙子朔,以宋王成器為同州刺史,豳王守禮為豳州刺史,左羽林大將軍岐王隆範為左衛率,右羽林大將軍薛王隆業為右衛率;太平公主蒲州安置。
  7. ^ 《資治通鑑·卷二百十》: 太平公主聞姚元之、宋璟之謀,大怒,以讓太子。太子惧,奏元之、璟離间姑、兄,请從極法。甲申,貶元之為申州刺史,璟為楚州刺史。丙戌,宋王、豳王亦寢刺史之命。
  8. ^ 《舊唐書·卷九十·李守禮傳》: 先天二年,遷司空。開元初,歷虢、隴、襄、晉、滑六州刺史,非奏事及大事,並上佐知州。
  9. ^ 《舊唐書·卷九十·李守禮傳》: 二十九年薨,年七十餘,贈太尉。