Lý Cảo
Lý Cảo (tiếng Trung: 李暠; bính âm: Lǐ Gǎo; 351 – 417), tên tự Huyền Thịnh (玄盛), biệt danh là Trường Sinh (長生), là vị vua khai quốc của nước Tây Lương trong lịch sử Trung Quốc. Trong thời gian cai trị, ông chỉ xưng tước Công. Ban đầu là một quan của Bắc Lương, song vào năm 400, ông đã ly khai khỏi Đoàn Nghiệp và tự lập nên một nước độc lập. Đất nước của ông chỉ tồn tại trong 21 năm, song các hậu duệ của ông tiếp tục là các đại thần và quý tộc chủ chốt tại Bắc Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu, và nhà Tùy, và một người trong số họ, Lý Uyên, đã lập nên nhà Đường. Sau khi nhà Đường được lập, ông được Đường Huyền Tông truy phong là Hưng Thánh Hoàng đế (興聖皇帝). Tiểu sửLý Cảo sinh năm 351, khi ấy cha ông là Lý Sưởng (李昶) đã qua đời, và có tổ tiên là tướng Lý Quảng của nhà Hán. Sau khi Lý Sưởng qua đời, mẹ của Lý Cảo tái giá với một người đàn ông họ Tống, và bà sinh cho người này ít nhất một người con trai nữa có tên là Tống Dao (宋繇). Khi Lý Cảo còn trẻ tuổi, ông được biết đến với tính hiếu học, có lý trí, và cởi mở. Đến khi lớn hơn, ông cũng học các binh pháp của Tôn Tử và Ngô Khởi. Trong một thời gian dài, ông đã sống chung nhà với em trai Tống Dao. Quách Nôn (郭黁), một triều thần của nước Hậu Lương dưới thời hoàng đế Lã Quang, ông ta được biết đến với tài yêu thuật và tiên tri. Một lần Quách Nôn nói với Tống, "Vị trí của ngươi sẽ là vinh dự nhất trong tất cả các thần dân, song Lý sẽ một ngày nào đó lập ra một đất nước độc lập. Điều này sẽ xảy ra khi một con ngựa cái sinh ra một con ngựa con với cái trán trắng." Sau khi tướng Đoàn Nghiệp, với sự giúp đỡ của các tướng Thư Cừ Nam Thành (沮渠男成) và Thư Cừ Mông Tốn, đoạn tuyệt với Hậu Lương và lập ra nước Bắc Lương vào năm 397, Lý Cảo trở thành một quan huyện dưới quyền thái thú Mạnh Mẫn (孟敏) của quận Đôn Hoàng (gần tương ứng với Đôn Hoàng, Cam Túc hiện nay). Khi Mạnh Mẫn chết năm 400, do Lý Cảo được lòng người dân nên các quan lại ở quận Đôn Hoàng đã đề nghị ông tiếp quản chức thái thú. Ban đầu, Lý Cảo do dự, song Tống đã khuyên ông chấp nhận, nói với ông rằng một con ngựa với cái trán trắng vừa mới được sinh ra. Lý Cảo do đó chấp thuận và yêu cầu sự phê chuẩn của Đoàn Nghiệp, và Đoàn Nghiệp đã đồng ý. Tuy nhiên, viên quan Sách Tự (索嗣), một người bạn của Lý Cảo, đã cảnh báo Đoàn Nghiệp về những tham vọng của Lý Cảo và khuyên Đoàn Nghiệp không cho phép Lý Cảo tiếp tục kiểm soát Đôn Hoàng. Đoàn Nghiệp do đó đã cử Sách Tự tiếp nhận chức vụ của Lý Cảo. Lý Cảo lo sợ, ban đầu đã tiếp đón Sách Tự và chuyển giao quyền lực cho ông ta. Song do xúi giục của Tống và Trương Mạc (張邈), Lý Cảo đầu tiên cử người đến để nịnh bợ Sách Tự, và rồi tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ Sách Tự, đánh bại và buộc ông ta phải chạy trốn trở lại kinh thành Trương Dịch (張掖, nay thuộc Trương Dịch, Cam Túc) của Hậu Lương. Lý Cảo giận dữ trước sự phản bội của Sách Tự, sau đó đã cử sứ giả đến chỗ Đoàn Nghiệp để yêu cầu ông ta giết chết Sách Tự. Thư Cừ Nam Thành cũng không ưa gì Sách Tự nên cũng khuyên Đoàn Nghiệp xử tử Sách Tự để bình định Lý Cảo, và Đoàn Nghiệp đã làm như vậy. Đến năm 400, thuộc cấp của Lý Cảo là Đường Dao (唐瑤) đã tuyên bố sáu quận quanh Đôn Hoàng ly khai và trao quyền quản lý cho Lý Cảo. Lý Cảo đã chấp thuận và lấy tước hiệu là Lương công (涼公), lập ra nước Tây Lương. Thời kỳ đầu trị vìNăm 401, thành Tửu Tuyền (酒泉, nay thuộc Tửu Tuyền, Cam Túc) của Bắc Lương đã về tay ông, và trong bối cảnh Hậu Tần tấn công Hậu Lương cùng năm, điều này đã khiến Thư Cừ Mông Tốn (người đã giết chết Đoàn Nghiệp vào hồi đầu năm và chiếm lấy quyền cai trị Bắc Lương) đã tính đến việc đầu hàng Hậu Tần, mặc dù vậy, Thư Cừ Mông Tốn sau đó đã quyết định chống lại và tiếp tục sự tồn tại của Bắc Lương. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Hậu Tần đang mạnh, Lý Cảo đã khuất phục Hậu Tần trên danh nghĩa và trở thành một chư hầu. Năm 404, Thế tử của Lý Cảo là Lý Đàm (李譚) qua đời, và ông lập em trai của Lý Đàm là Lý Hâm làm Thế tử mới. Năm 405, Lý Cảo tuyên bố thêm các tướng hiệu kính cẩn, và trong thời gian này, trong khi không từ bỏ việc thần phục Hậu Tần, ông cũng cử sứ thần đến Đông Tấn yêu cầu được trở thành chư hầu. Ông cũng chuyển kinh đô từ Đôn Hoàng đến Tửu Tuyền, sát kinh thành Trương Dịch của Bắc Lương hơn, tạo thêm áp lực cho Bắc Lương. Ông cũng viết một lá thư cho tất cả các con trai, bức thư này vẫn còn tồn tại cho đến nay, trong đó khuyến khích họ cởi mở và suy nghĩ một cách hợp lý, và cố gắng hòa nhã. Năm 406, Lý Cảo lập minh ước hòa bình với vua Thốc Phát Nục Đàn của Nam Lương, ngầm hiểu là một liên minh chống lại Bắc Lương, song sau đó đã không có hoạt động quân sự liên hiệp nào diễn ra. Cũng trong năm đó, Thư Cừ Mông Tốn thực hiện một cuộc tấn công vào Tửu Tuyền, và Lý Cảo đã phải chịu một thất bại trước Thư Cừ Mông Tốn gần Tửu Tuyền và buộc phải trở về thủ thành để đối phó với một cuộc bao vây có thể xảy ra, song Thư Cừ Mông Tốn đã không có đủ sức mạnh để vây thành và phải rút lui. Thời kỳ cuối trị vìNăm 408, khi không được hồi đáp gì kể từ khi cử sứ giả đến vào năm 405, Lý Cảo lại cử một sứ giả khác cùng với kiến nghị của mình đến kinh thành Kiến Khang của Đông Tấn. Năm 410, Thư Cừ Mông Tốn tấn công Tây Lương và đánh bại thế tử Lý Hâm trong trận chiến, bắt được tướng Chu Nguyên Hổ (朱元虎). Lý Cảo phải dùng vàng và bạc để chuộc lại Chu, và Thư Cừ Mông Tốn đã thả Chu và thiết lập hòa bình với Lý Cảo. Năm 411, Thư Cừ Mông Tốn đã phá vỡ thỏa thuận hòa bình trước đó khi tấn công bất ngờ vào Tây Lương. Lý Cảo bảo vệ kinh thành và từ chối giao chiến với Thư Cừ Mông Tốn, và Bắc Lương sau đó đã rút quân do cạn nguồn lương thảo. Lý Cảo sau đó cử Lý Hâm đi đánh quân Bắc Lương đang rút, và Lý Hâm đã giành được một thắng lợi lớn trước Thư Cừ Mông Tốn, bắt được tướng Thư Cừ Bách Niên (沮渠百年). Năm 416, thuộc hạ của Lý Cảo là Sách Thừa Minh (索承明) đã đề xuất rằng ông nên đánh Bắc Lương. Lý Cảo triệu tập Sách và giải thích rằng mình không có đủ sức mạnh để làm như vậy và rằng Sách nếu thực sự muốn tiến hành kế hoạch thì đừng nên chỉ đề xuất kế hoạch suông. Trong sợ hãi và xấu hổ, Sách đã xin lui. Năm 417, Lý Cảo lâm bệnh, và ông giao phó Lý Hâm cho em trai Tống Dao, nói rằng:"Sau khi ta chết, Thế tử sẽ là con trai đệ. Do đó, hãy rèn luyện nó.". Ông đã qua đời sau đó, và Lý Hâm lên kế vị. Mặc dù Lý Cảo chỉ xưng Công, ông được truy phong thụy hiệu vương, là Vũ Chiêu vương (武昭王), miếu hiệu là Thái Tổ. Tham khảo |