Kinh tạng

Kinh tạng (chữ Hán: 经藏; tiếng Phạn: सूत्र पिटक, Sūtra Piṭaka, tiếng Pali: suttapiṭaka), còn được gọi là Tu-đa-la tạng (修多羅藏), là một trong ba bộ phận của Tam tạng, bộ phận quan trọng cốt yếu của kinh điển Phật giáo sơ kỳ. Hai phần khác của Tam tạng là Luật tạngLuận tạng. Kinh tạng còn được gọi là 'Buddhavacana' hoặc lời nói của Đức Phật (Phật ngôn), chứa hơn 10.000 bài kinh (giáo pháp) do chính Đức Phật hoặc những đệ tử thân cận của Ngài giảng thuyết.[1]

Nguồn gốc

Theo truyền thống, những gì sau này trở thành các bản kinh văn của Kinh tạng lần đầu tiên được tụng đọc tại Đại hội kết tập đầu tiên, được tổ chức ngay sau khi Đức Phật nhập diệt. Lần kết tập này cũng xác định bộ giới luật (Vinaya) quy định đời sống của các tăng ni trong cộng đồng Tăng già. Các học giả hiện đại hoài nghi ở mức độ khác nhau về dữ kiện này. Richard Gombrich cho rằng hầu hết bốn nikaya đầu tiên chỉ đơn thuần ghi nhận những lời dạy của Đức Phật, về nội dung nhưng không phải về hình thức.[2] Giáo sư Hirakawa Akira lại cho rằng lần kết tập thứ nhất chỉ thu thập những đoạn văn hoặc câu văn xuôi ngắn thể hiện những học thuyết quan trọng, và chúng đã được mở rộng thành những bài kinh dài đầy đủ trong thế kỷ tiếp theo.[3]

Nội dung

Theo truyền thống Phật giáo ghi nhận trong hệ thống kinh điển Phật giáo sơ kỳ, Kinh tạng mang nội dung là những lời dạy của chính Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong suốt cuộc đời truyền bá giáo pháp của Ngài, bao gồm những giáo lý căn bản như Tứ diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã... Chúng được ghi nhận, cô đọng, lưu truyền bằng cách truyền khẩu, được hệ thống lại qua các kỳ Đại hội kết tập kinh điển thứ nhấtthứ hai. Truyền thống Phật giáo Nam truyền cho rằng phần Kinh tạng tập hợp trong 5 bộ nikaya, được thiết lập bằng văn tự hệ Pali vào thời kỳ A-dục vương bằng chữ viết Sinhala, được truyền bá và lưu giữ nguyên vẹn tại Sri Lanka trong suốt hơn 2.000 năm.[4][5] Truyền thống Phật giáo Bắc truyền lại cho rằng phần Kinh tạng được tập hợp trong 4 bộ A-hàm (āgama), ghi lại bằng Phạn văn, được truyền bá vào Trung Hoa qua các bản dịch Hán văn.

Khác với hệ kinh văn nikāya Pali được bảo tồn hầu như nguyên vẹn qua dòng truyền thừa của Thượng tọa bộ, các bản kinh văn āgama Phạn ngữ nguyên bản hầu hết đã bị tiêu hủy hoặc thất tán do chiến tranh. Phần lớn các kinh văn āgama được bảo tồn đến ngày nay qua các bản dịch Tạng ngữ và Hán ngữ cổ điển. Bản chất các tập āgama là bộ sưu tập các kinh văn rời rạc từ nhiều bộ phái khác nhau, được dịch ra bởi nhiều dịch giả khác nhau trong những thời kỳ khác nhau, dẫn đến sự khác biệt đáng kể không chỉ giữa các bản dịch, mà còn giữa các bản kinh văn Phạn ngữ còn sót lại. Mặc dù vậy, do cùng một nguồn gốc trong hệ kinh văn sơ kỳ, nội dung các kinh văn āgama có sự tương đồng khá chặt chẽ với các kinh văn nikāya Pali,[6] dù khác biệt rõ ràng về cách diễn đạt, cấu trúc sắp xếp và số lượng các bản kinh trong mỗi tập.

Các học giả hiện đại thường nghiên cứu so sánh song song với 5 bộ nikāya và 4 bộ āgama như sau:

Bảng đối chiếu song song Nikāya Pali và Āgama Hán văn
Nikāya Āgama
Trường Bộ
(Dīgha-nikāya)
Trường A-hàm
(Dīrgha Āgama)
3 phẩm, 34 bài kinh 4 phần, 30 bài kinh
Trung Bộ
(Majjhima-nikāya)
Trung A-hàm
(Madhyama Āgama)
3 tụ, 15 phẩm, 152 bài kinh 5 tụng, 18 phẩm, 222 bài kinh
Tương ưng Bộ
(Saṃyutta-nikāya)
Tạp A-hàm
(Saṃyukta Āgama)
5 thiên, 56 tương ưng, 2.904 bài kinh 50 quyển, 1.362 bài kinh
Tăng chi Bộ
(Aṅguttara-nikāya)
Tăng nhất A-hàm
(Ekottara Āgama)
11 tụ, 171 phẩm, 2.203 bài kinh 52 phẩm, 472 bài kinh
Tiểu Bộ
(Khuddaka-nikāya)
Không tương ứng
15 tập

Chú thích

  1. ^ Dahiya, Poonam Dalal (ngày 15 tháng 9 năm 2017). ANCIENT AND MEDIEVAL INDIA EBOOK (bằng tiếng Anh). McGraw-Hill Education. tr. 165. ISBN 978-93-5260-673-3.
  2. ^ Theravada Buddhism, 2nd edn, Routledge, London, 2006, pages 20f
  3. ^ Hirakawa, History of Indian Buddhism, volume 1, 1974, English translation University of Hawai'i Press, pages 69f
  4. ^ Kinh sách Pali và sự bảo toàn giáo pháp của đức Phật
  5. ^ Phật Quang Đại Từ điển (佛光大辭典). Phật Quang Đại Từ điển biên tu Ủy viên hội (佛光大辭典編修委員會). Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.
  6. ^ Potter, Karl H. (1996). Abhidharma Buddhism to 150 A.D. - Volume 7 of The Encyclopedia of Indian Philosophies. Motilal Banarsidass. tr. 24. ISBN 9788120808959.

Liên kết ngoài