Khương Hồng

Khương Hồng
姜洪
Tên chữHi Phạm
Tên hiệuKính Trai
Thụy hiệuTrang Giới
Tuần phủ Sơn Tây
Nhiệm kỳ
1512
Tiền nhiệmVương Cảnh
Kế nhiệmTrịnh Tông Nhân
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
không rõ
Quê quán
châu trực lệ Quảng Đức
Mất
Thụy hiệu
Trang Giới
Ngày mất
1512
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Jiang Mou
Thân mẫu
Yu Shi
Phối ngẫu
Yao Shi
Học vấnTiến sĩ Nho học
Nghề nghiệpchính khách
Quốc tịchnhà Minh

Khương Hồng (chữ Hán: 姜洪, ? – ?), tự Hi Phạm, người Quảng Đức, An Huy, quan viên nhà Minh.

Xuất thân

Hồng xuất thân Quốc tử sanh, đỗ cử nhân thứ 27 kỳ thi Hương của phủ Ứng Thiên; năm Thành Hóa thứ 14 (1478), đỗ cống sĩ thứ 106 kỳ thi Hội khoa Mậu tuất; tham gia kỳ thi Điện, đỗ tiến sĩ thứ 47 đệ tam giáp [1].

Sự nghiệp

Hồng nhận chức Lô Thị tri huyện. Trong thời gian ở chức, Hồng một mình cưỡi ngựa khuyến khích nông tang; có kẻ bình dân Khương Trọng Lễ xin nhận tử tội thay cha, ông tâu xin miễn cho họ. Sau đó Hồng được trưng bái làm Ngự sử.

Minh Hiếu Tông lên ngôi (cuối năm 1487), Hồng trình bày 8 việc liên quan đến chánh lệnh; từng hặc thái giam Tiêu Kính, Nội các Vạn An, Lưu Cát, học sĩ Doãn Trực, thị lang Hoàng Cảnh, Lưu Tuyên, đô ngự sử Lưu Phu, thượng thư Lý Dụ, Lý Mẫn, Đỗ Minh, Đại Lý thừa Tống Kinh; còn tiến cử những người đã trí sĩ là thượng thư Vương Thứ, Vương Hoành, Lý Bỉnh, những người đã rời chức là thị lang Tạ Đạc, biên tu Trương Nguyên Trinh, kiểm thảo Trần Hiến Chương, thiêm sự Chương Mậu, bình sự Hoàng Trọng Chiêu, ngự sử Cường Trân, Từ Dung, Vu Đại Tiết, cấp sự trung Vương Huy, Tiêu Hiển, Hạ Khâm, viên ngoại Lâm Tuấn, chủ sự Vương Thuần với những người đang ở chức thượng thư Dư Tử Tuấn, Mã Văn Thăng, tuần phủ Bành Thiều, thị lang Trương Duyệt, chiêm sự Dương Thủ Trần. Hồng còn nói chỉ huy Hứa Ninh, nội quan Hoài Ân, đều đề cử đồng bọn, giữ các cấp phó. Hồng trình bày, phần nhiều là chỉ trích những kẻ được sủng ái, bản sớ gần vạn chữ; Đế khen ngợi mà nghe theo, vì thế những kẻ ấy căm giận không thôi.

Năm Hoằng Trị đầu tiên (1488), Hồng ra làm Án sát Hồ Quảng, cùng Đốc tào ngự sử Tần Hoành tranh cãi về công văn, bị hặc; sở tư (cơ quan chủ quản) biện bạch cho ông, nhưng Lưu Cát thọc gậy bánh xe, giao xuống cho bộ Lễ hội nghị, khiến ông bị biếm làm Hạ huyện tri huyện. Ngự sử Âu Dương Đán xin triệu Hồng với bọn Sướng Hanh về, triều đình không nghe. Hồng được thăng làm Quế Lâm tri phủ; các dân tộc Dao, Tráng khởi nghĩa ở Cổ Điền, ông xin binh đánh dẹp, sau đó được cất nhắc làm Vân Nam tham chánh. Thổ quan Đào Hồng ước hẹn với nước Bát Bách Tức Phụ [2] nổi dậy, Hồng ly gián rồi diệt trừ; được thăng làm Sơn Đông tả tham chánh.

Năm Chánh Đức thứ 2 (1507) thời Minh Vũ Tông, Hồng được thăng làm Sơn Tây bố chánh sứ; thái giám Lưu Cấn vòi tiền hối lộ [3], ông không đáp ứng. Tháng 2 ÂL năm thứ 4 (1509), có trung chỉ lệnh cho Hồng trí sĩ [4]. Sau khi Cấn đền tội, Hồng được khởi làm Sơn Đông tả bố chánh sứ. Năm thứ 7 (1512), Hồng nhận hàm Hữu phó đô ngự sử, làm Tuần phủ Sơn Tây, ở chức chưa đầy năm thì mất.

Hồng tính liêm trực, sau khi mất vì nhà nghèo nên không thể tổ chức tang lễ. Năm Thiên Khải đầu tiên (1621), được truy thụy Trang Giới.

Tham khảo

  • Minh sử quyển 180, liệt truyện 68 – Khương Hồng truyện

Chú thích

  1. ^ Xem Thành Hóa thập tứ niên Mậu tuất khoa Điện thí kim bảng tại Thiên Nhất các tàng Minh đại khoa cử lục tuyển san – Đăng khoa lục. Thiên Nhất cácNinh Ba, Chiết Giang là một trong 3 thư viện gia đình có tuổi đời cao nhất thế giới và là nhất châu Á, do Binh bộ hữu thị lang Phạm Khâm sáng lập vào trung kỳ đời Minh, còn lại đến nay hơn 30 vạn quyển sách, trong đó Phạm Khâm sưu tầm hơn 7 vạn. Thiên Nhất các tàng Minh đại khoa cử lục tuyển san là bộ sách ghi chép gần như trọn vẹn lịch sử khoa cử đời Minh, còn Đăng khoa lục (gọi đầy đủ là Minh đại Đăng khoa lục) ghi chép đầy đủ tên tuổi tiến sĩ các đời
  2. ^ 八百媳妇国/Bát Bách Tức Phụ quốc, nghĩa đen là 800 cô vợ, tức là nước Lan Na. Tên gọi Bát Bách Tức Phụ có từ thời Nguyên Thành Tông, dựa theo lời tâu của Vân Nam hành tỉnh tả thừa Lưu Thâm, nói rằng chúa nước này có 800 vợ, mỗi người giữ một trại
  3. ^ Minh sử, tlđd chép nguyên văn là 贺印钱/hạ (chúc mừng) ấn (con dấu) tiền, ý nói khoản tiền hối lộ mà quan viên - mới nhận chức - phải nộp
  4. ^ Minh sử, tlđd chép nguyên văn là 中旨/trung chỉ. Chiếu chỉ của hoàng đế không thông qua Trung thư tỉnh hay Môn hạ tỉnh, mà từ nội đình trực tiếp phát ra, thì gọi là Trung chỉ. Từ đời Đường, Tống về sau, triều đình phế bỏ Trung thư/Môn hạ tỉnh, việc này là thông lệ, mà đời Minh đều do thái giám của Tư lễ giám soạn thảo. Ở đây Minh sử, tlđd nhấn mạnh từ “Trung chỉ” là có ý nói Lưu Cấn đã thao tác ngầm việc này, chưa hẳn đây là yêu cầu của hoàng đế