Chu Tấn (nhà Minh)

Chu Tấn (chữ Hán: 周缙, ? - ?), tự Bá Thân, người huyện Vũ Xương, phủ Vũ Xương, hành tỉnh Hồ Quảng [1], quan viên nhà Minh.

Cuộc đời

Tấn nhờ thân phận Cống sanh mà được gia nhập Thái Học, sau đó được thụ chức Vĩnh Thanh điển sử [2], thay huyện lệnh coi việc.

Yên vương Chu Đệ dấy binh, quan viên các nơi nối nhau ra hàng. Tuy Vĩnh Thanh rất gần nước Yên, nhưng Tấn một mình cố thủ, ngăn chặn quân Yên. Đến khi nhắm thấy không thể chống lại, Tấn gói ấn chạy về miền nam. Giữa đường nghe tin mẹ mất, Tấn quay về chịu tang. Sau đó nghe tin quân Yên áp sát kinh sư, Tấn muốn tập hợp lực lượng để cần vương; nhưng lại nghe tin kinh sư đã thất thủ, ông bèn bỏ trốn. Bộ Lại lập ra danh sách quan lại bỏ chức vụ, không đầu hàng quân Yên, cả thảy 290 người, đề nghị xử phạt. Triều đình giáng chiếu lệnh cho họ nộp tiền để chuộc tội, bắt đi thú ở Hưng Châu [3]. Tấn bị bắt giữ, đưa đến nơi làm lính thú. Tấn ở đấy vài năm, được con trai thay cho nên được về.

Không rõ Tấn mất khi nào, hưởng thọ 80 tuổi.

Tham khảo

  • Minh sử quyển 143, liệt truyện 31 – Chu Tấn truyện

Chú thích

  1. ^ Nay là khu Ngạc Thành, địa cấp thị Ngạc Châu, Hồ Bắc
  2. ^ Điển sử (典史) là quan chức đời xưa, được thiết lập từ đời Nguyên, nhưng đến 2 đời Minh – Thanh mới có chức trách cụ thể. Điển sử là văn chức, có vai trò làm tá quan của Tri huyện/châu, phụ trách bắt bớ tội phạm, tra xét hình án; ở huyện/châu không có huyện thừa, chủ bộ thì kiêm nhiệm các chức vụ này. Điển sử tuy phẩm cấp chỉ là Vị nhập lưu, nhưng vẫn do bộ Lại bổ nhiệm, thậm chí có trường hợp cần được hoàng đế phê chuẩn. Đầu đời Minh bổng/tháng của Điển sử chỉ là 3 thạch gạo, đến đời Thanh thì bổng/năm đã lên đến 31 lượng 5 tiền 2 phân, tiền dưỡng liêm/năm là 80 lượng
  3. ^ Nhà Minh thiếp lập 5 vệ quân đội: tiền, hậu trung, tả, hữu ở Hưng Châu, xem nơi này là trọng trấn biên thùy. Đến thời Thành Tổ, 5 vệ dời sâu vào nội địa, thành Hưng Châu bị bỏ hoang. Thành cổ Hưng Châu nay là văn vật được bảo hộ cấp tỉnh, nằm tại thôn Hưng Châu, huyện Loan Bình, địa cấp thị Thừa Đức, Hà Bắc