Chaetodontoplus chrysocephalus

Chaetodontoplus chrysocephalus
C. chrysocephalus (tại vùng biển Nhật Bản)
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Perciformes
Họ (familia)Pomacanthidae
Chi (genus)Chaetodontoplus
Loài (species)C. chrysocephalus
Danh pháp hai phần
Chaetodontoplus chrysocephalus
(Bleeker, 1855)
Danh pháp đồng nghĩa
  • Holacanthus chrysocephalus Bleeker, 1855

Chaetodontoplus chrysocephalus là một loài cá biển thuộc chi Chaetodontoplus trong họ Cá bướm gai. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1855.

Từ nguyên

Từ định danh của loài được ghép bởi hai từ trong tiếng Hy Lạp cổ đại, là chrysos ("màu vàng") và cephalus ("đầu"), hàm ý đề cập đến phần đầu có màu vàng da cam của mẫu định danh[2].

Phạm vi phân bố và môi trường sống

Mẫu định danh của C. chrysocephalus được thu thập ở ngoài khơi Jakarta (đảo Java, Indonesia)[3]. Lần quan sát gần nhất của loài này được biết đến ở Indonesia là vào khoảng năm 2001 (cụ thể tại quần đảo Karimunjawa trên biển Java)[1]. Nhiều mẫu vật của loài này cũng đã được quan sát và thu thập ở vùng biển phía nam Nhật Bản và ngoài khơi đảo Đài Loan[4].

Loài này sống gần các rạn san hô và mỏm đá ngầm ở độ sâu khoảng 15 – 25 m[5].

Phân loại học

Một kiểu hình khác của C. chrysocephalus

Nhiều cá thể có kiểu màu trung gian giữa C. chrysocephalusChaetodontoplus septentrionalis đã được quan sát và ghi nhận. Fraser-Brunner (1933) đã nghi ngờ C. chrysocephalus là một biến thể kiểu hình của C. septentrionalis[6]. Nhiều nhà khoa học đời sau như Allen (1979) hay Masuda và các cộng sự (1984) cho rằng, C. chrysocephalus có thể là kiểu hình cá đực của C. septentrionalis[7].

Nhưng theo Pyle (1993), C. chrysocephalus có thể là con lai giữa C. septentrionalis với Chaetodontoplus melanosoma, vì C. chrysocephalus có xu hướng mang kiểu màu trung gian giữa hai loài này[7]. Giả thiết này một lần nữa được đề cập trong báo cáo của Pyle và Randall (1994)[8], và được đồng tình bởi Allen cùng một số nhà ngư học khác[6].

C. melanosoma, một loài được biết đến chắc chắn ở Philippines, MalaysiaIndonesia, lại được cho là có mặt ở vùng biển phía nam Nhật Bản. Quần thể melanosoma Nhật Bản (tạm gọi là C. cf melanosoma) lại có vây đuôi hoàn toàn màu vàng, khác biệt so với kiểu hình có đuôi màu đen viền vàng ở các quần thể melanosoma thực sự ở Đông Nam Á[4]. Không rõ C. cf melanosoma chỉ là biến thể kiểu hình của C. melanosoma, hay là một loài chưa được mô tả ở Nhật Bản.

Ngoài ra, không một mẫu vật là cá con của C. chrysocephalus được biết đến rất có thể là do chúng khá giống với cá con của C. melanosomaC. septentrionalis, hai loài bố mẹ giả định của C. chrysocephalus, nên bị xác định nhầm là cá con của một trong hai loài bố mẹ kể trên[7].

Tham khảo

  1. ^ a b G. Allen (2010). Chaetodontoplus chrysocephalus. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2010: e.T165826A6142388. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T165826A6142388.en. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2021.
  2. ^ Scharpf, C.; Lazara, K. J. (2021). “Order ACANTHURIFORMES (part 1)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2021.
  3. ^ R. Fricke; W. N. Eschmeyer; R. van der Laan (biên tập). “Chi Chaetodontoplus. Catalog of Fishes. Viện Hàn lâm Khoa học California. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2021.
  4. ^ a b Joe Rowlett (2016). “The Evolution and Biogeography of Chaetodontoplus”. Reefs.com. Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2021.
  5. ^ Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Chaetodontoplus chrysocephalus trên FishBase. Phiên bản tháng 6 năm 2021.
  6. ^ a b Randall & Rocha, sđd, tr.512
  7. ^ a b c Pyle (2003), sđd, tr.402–403
  8. ^ Richard L. Pyle; John E. Randall (1994). “A review of hybridization in marine angelfishes (Perciformes: Pomacanthidae)”. Environmental Biology of Fishes. 41: 127–145. doi:10.1007/BF00023809.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)

Trích dẫn