Bao Công
Bao Chửng[1] (chữ Hán: 包拯; 5 tháng 3 năm 999 - 3 tháng 7 năm 1062), biểu tự Hy Nhân (希仁), thường được gọi là Bao Thanh Thiên (包青天) hay Bao Công (包公), người Lư Châu, Hợp Phì (giờ là huyện Phì Đông, thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy). Ông làm quan nhà Bắc Tống, quan tới tòng nhị phẩm Xu Mật Viện phó sứ, Triều tán Đại phu, Cấp sự trung, Thượng Khinh xa Đô úy, tước Đông Hải quận Khai quốc Hầu, thực ấp 1800 hộ, thực hưởng 400 hộ, nhận tử sắc kim ngư đại ngự ban. Khi mất được truy thăng hàm Lễ bộ Thượng thư, thụy Hiếu Túc (孝肅). Ông nổi tiếng vì sự chính trực, liêm khiết và tài xử án công chính được dân gian lưu truyền qua nhiều giai thoại. Bao Chửng nổi tiếng là một vị quan "thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình"[2] dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông. Theo truyền thuyết, Bao Công là Văn Xương Đế Quân lịch kiếp, Văn Xương Đế Quân còn là Văn Khúc Tinh Quân - một trong 7 vị Bắc Đẩu tinh quân, giáng trần, tên gọi là Văn Khúc Tinh Quân (文曲星君). Vì vậy, ngoài việc xử án ban ngày ở dương gian, ban đêm, ông còn phải xử án ở âm phủ. Trong văn hóa dân gian, vầng trăng trên trán ông tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất. Do ảnh hưởng từ hình tượng dân gian, ông còn được gọi là Bao Đãi Chế (包待制) do ông từng làm chức Đãi chế của Thiên Chương các (天章閣), sau lại nhậm chức Học sĩ ở Long Đồ các (龙图阁) mà được gọi thành Bao Long Đồ (包龙图)[3]. Đặc biệt nhất, Bao Chửng được lưu truyền trong dân gian với hình tượng mặt đen mà còn gọi là Bao Hắc Tử (包黑子) hay Bao Hắc Than (包黑炭). Cuộc đờiBao Chửng người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức đại phu trong triều. Sau khi qua đời, Bao Nghi được phong Hình bộ Thị lang. Lúc còn bé, Bao Chửng đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, đôn hậu, sống mực thước. Năm 1027, ông thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), nhưng vì song thân già yếu, ông không thể làm quan xa nên xin khoan nhận việc, để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ. Sau khi cha mẹ qua đời, Bao Chửng đi nhậm chức Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy), sau đó là Tri châu Đoan Châu[4] (nay thuộc Thành phố Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông). Nghe tiếng Bao Công tận tụy và thanh liêm, nhà vua cho triệu ông về kinh giao cho chức Trung thừa, rồi lần lượt thăng các chức Giám sát ngự sử, Trực học sĩ Long đồ các, Tam tư Hộ bộ Phó sử, đến Thiên Chương các Đãi chế (nên người đời sau còn gọi ông là Bao Đãi chế). Năm 1050, vì đàn hặc quốc trượng Trương Nghiêu Tá làm phật lòng hoàng đế Nhân Tông, ông bị thuyên chuyển đến Hà Bắc làm Nhậm đốc chuyển vận sứ. Bốn năm sau, ông mới được triệu về kinh nhậm chức Phủ doãn phủ Khai Phong. Đây là chức vị rất quan trọng, tương đương thị trưởng Bắc Kinh ngày nay, lo việc trị an kinh thành. Lúc ở phủ Khai Phong, Bao Công thường ngồi hướng Nam để tỏ lòng tôn kính hoàng đế, nhưng khi thăng đường ông lại ngồi theo hướng Bắc, do vậy trong các phim về Bao Công có câu "Bao Công đồ đảo tọa Nam nha Khai Phong phủ". Bao Công làm quan phủ doãn phủ Khai Phong chỉ trong vòng 1 năm. Thời gian còn lại, ông được thăng chức Thừa tướng, Ngự sử đài. Chức vụ cao nhất mà Bao Công đảm nhận ở cuối đời là Khu mật Phó sứ, tương đương với chức Phó Tể tướng. Thống kê ghi lại, những người bị Bao Chửng trừng trị không dưới 30 người là đối tượng quyền quý, hoàng thân quốc thích trong xã hội đương thời. Thậm chí ngay cả quốc trượng Trương Nghiêu Tá – cha đẻ của Trương quý phi được vua Nhân Tông sủng ái cũng bị Bao Chửng đàn hặc mà mất chức. Nhà văn đời Tống Âu Dương Tu đã dành cho Bao Chửng những lời bình luận: "Thuở nhỏ hiếu thuận, tiếng thơm khắp xóm làng, cuối đời chính trực, lưu danh khắp triều đình". Trong 27 năm làm quan, vị trí công việc rất đa dạng: làm Tri huyện Thiên Trường; Tri phủ Đoan Châu, Doanh Châu, Dương Châu, Lư Châu, Triệu Châu; Tri phủ Giang Ninh rồi Phủ doãn phủ Khai Phong, nắm giữ toàn bộ việc hình pháp, trị an trong kinh thành. Bao Công nhận mệnh đi sứ Khiết Đan, rồi về kinh làm Lễ bộ Thị lang, Tam ti Hộ bộ... Trước sau gánh vác công việc ở các bộ Công, Hình, Binh, Lễ. Chức vụ lớn nhất của Bao Công trước khi qua đời là Khu mật Phó sứ, tương đương phó tể tướng. Sau ông được phong hàm Thiên Chương các đãi chế, Long Đồ các trực học sĩ, Khu mật trực học sĩ. Năm 1062, ông lâm bệnh mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 63 tuổi, điều đáng nói ở đây, là thời gian từ lúc lâm bệnh cho đến khi mất chỉ có 13 ngày, nên người ta nghi ngờ rằng ông mất một phần do thuốc của hoàng đế ban cho, do lúc sinh thời Bao Chửng từng xử những vụ án vạch mặt bọn thái y, nên bị bọn chúng căm ghét (từ lúc uống thuốc đến khi phát bệnh mất chỉ là 9 ngày). Sau này, các nhà khoa học thuộc Phòng Nghiên cứu năng lượng vật lý cao Học viện Khoa học Trung Quốc đã phối hợp với Viện Bảo tàng tỉnh An Huy tiến hành xét nghiệm những mảnh xương của Bao Công. Kết quả cho thấy: Hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và calci trong xương Bao Công cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại, trong khi đó hàm lượng chì và arsen (thạch tín) lại thấp hơn người thường. Ngày xưa, độc dược được sử dụng chủ yếu là tì sương (thạch tín) và chu sa (thủy ngân), chúng có độc tính cực mạnh. Kết quả này sơ bộ loại trừ khả năng Bao Công bị trúng độc cấp tính do uống phải thuốc có chứa thạch tín.[5] Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lễ bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu "Hiếu Túc", có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư và còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cữu ông về mai táng ở quê nhà ông. Mộ phầnTrong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, phong trào "Phá tứ cựu, lập Tứ tân" lan rộng khắp Trung Quốc. Bao Công bị xem là đáng trừng trị hơn tham quan vì đã ủng hộ, duy trì chế độ phong kiến, bị xếp vào loại "ngưu quỷ xà thần" phải quét sạch. Từ đường trở thành nhà nấu ăn của hợp tác xã, từ trong ra ngoài bị đập phá. Bia đá, hoành phi, liễn đối, tượng Vương Triều, Mã Hán đều nát vụn. Bức tượng Bao Công được làm từ gỗ đàn hương, lớn như người thật, bị các Hồng vệ binh dùng dao chém nát. Bộ gia phả "Bao thị tông phả" và bức họa truyền thần Bao Công lúc sinh tiền được truyền từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Dân quốc đã bị treo lên cây đốt cháy thành tro. Sau năm 1949, đền thờ Bao Công do nhà nước quản lý, thuộc Công viên Bao Hà. Bức họa Bao Công từng được đưa vào Tử Cấm Thành triển lãm, nhờ đó còn giữ được tấm ảnh chụp lại. Về sau, Bao Tiên Hải trao bức họa và gia phả cho con gái là Bao Huấn Chi cất giữ, cuối cùng bị Hồng vệ binh lục soát tìm thấy, đem ra đốt sạch.[6] Năm 1973, khu mộ ông được di dời để xưởng luyện thép Hợp Phì số 2 xây lò nung vôi.[7] Đến cuối tháng 8 năm 1973, việc khai quật khu mộ phần của Bao Công đã hoàn thành. Mười một bộ di cốt cùng 55 nhân dân tệ tiền phí an táng được trao cho đại diện hậu duệ Bao Công. Qua bàn bạc, các thành viên trong gia tộc quyết định thuê xe di quan từ Hợp Phì về gò Long Sơn, thôn Đại Bao, xã Văn Tập, huyện Phì Đông, tỉnh An Huy (nơi an táng tổ phụ, thân phụ Bao Công) nhưng không được chấp thuận nên họ phải chôn trộm. Ngày 6 tháng 10 năm 1985, tại Công viên Bao Hà, quần thể mộ phần Bao Công và từ đường Bao Công được phục chế lại hoành tráng. Ngày 4 tháng 4 năm 1986, tổ chức nghi thức "thiên an" tại Hợp Phì, 11 chiếc vò đựng di cốt được hạ xuống huyệt mộ đã làm sẵn mới phát hiện hoàn toàn rỗng không. Bao Tiên Chính - người đã an táng 11 vò di cốt đã qua đời mấy năm rồi, còn con cháu họ Bao đều lắc đầu nói không biết. Rất may còn 35 mảnh xương của Bao Công được gửi đi giám định tại Khoa Nghiên cứu Cổ nhân loại học và động vật có xương sống của Học viện Khoa học trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh, 20 trong số 35 mảnh xương được đưa vào quan tài bằng gỗ nam mộc đặt trong mộ huyệt của Bao Công, 15 mảnh xương còn lại được trưng bày trong Nhà Bảo tàng tỉnh An Huy.[8] Hiện nay đền thờ của ông có hai câu liễn: "Lý Oan Ngục, Quan Tiết Bất Thông, Tự Thị Diệm La Khí Tượng. Chẩn Tai Lê, Từ Thiện Vô Lương, Y Nhiên Bồ Tát Tâm Trường". Đại ý nói về phẩm chất cao quý của ông. Bài thơ duy nhất còn lạiGS. Nguyễn Khắc Phi viết: Là một người có học vị cao và sống ở một thời đại văn thơ nở rộ, chắc Bao Công cũng sáng tác không ít, song đáng tiếc là cho đến nay chỉ còn lại một bài ông làm lúc mới bước vào đường hoạn lộ, đó là:
Phim về Bao CôngMột trong những loạt phim nổi tiếng về Bao Công là Bao Thanh Thiên, được quay tại Đài Loan với sự tham gia của Kim Siêu Quần (vai Bao Công) và Hà Gia Kính (vai Triển Chiêu). Bộ phim sớm trở nên nổi tiếng ở Hồng Kông, Trung Quốc và Việt Nam. Trong phim, Bao Công xử các vụ án trong cương vị Phủ Doãn phủ Khai Phong (kinh đô nhà Tống). Trong thực tế lịch sử, ông làm ở chức vụ này khoảng 1 năm. Bao Công trong phim được mô tả là do sao Văn Khúc giáng sinh để đem lại công lý cho dương gian. Ban ngày ông xử án ở trần thế cho con người, ban đêm khi đi ngủ, thần thức của ông tiếp tục xuống âm phủ xử án cho các oan hồn. Giữa trán ông có vết sẹo hình trăng lưỡi liềm, tượng trung cho sự công chính, khi nguy cấp thì vết sẹo này có thể tỏa sáng để xua đuổi được tà ma yêu khí. Thực tế, Bao Công thật không có khuôn mặt đen và cũng không có vết sẹo hình Mặt Trăng như trong phim, thậm chí ông lại trắng trẻo và có phần thư sinh. Điều này là do ảnh hưởng của Kinh kịch, hát bội, Trong nghệ thuật Kinh Kịch, các diễn viên thường phải hóa trang mặt nạ trước khi biểu diễn. Mặt trắng là đại diện cho kẻ tiểu nhân; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa; mặt đen đại diện cho nghiêm túc, công chính liêm minh, quân tử. Do đó, mặt Bao Công trong kịch và phim được tô đen để khắc họa bản tính liêm chính của ông.[9][10] Từ tiểu thuyết, sân khấu đến phim ảnh đều gắn liền hình tượng Bao Công phá các đại án với thời gian làm Phủ doãn phủ Khai Phong. Kỳ thực Bao Công chỉ giữ chức này trong khoảng thời gian hơn một năm và trong chính sử không hề chép chuyện phá án nào của Bao Công trong giai đoạn này. Công lao lớn nhất của Bao Công khi giữ chức Phủ doãn Khai Phong (tương tự Thị trưởng Bắc Kinh ngày nay) là cải cách hành pháp và quy hoạch lại kinh thành để khỏi nạn ngập nước. Chức vụ cao nhất của Bao Công là hàm nhị phẩm, không có sử sách nào ghi rằng công đường của ông có ba khẩu Long-hổ-cẩu đầu đao để xử trảm tội phạm, cũng không có ghi chép nào cho thấy ông được vua ban Thượng phương bảo kiếm để có quyền "tiền trảm hậu tấu" như trong phim, truyện hay trên sân khấu mô tả. Về phá án, trong chính sử chỉ chép hai vụ:
Ngoài 2 chuyện được chép trong chính sử ra, những vụ xử án nổi tiếng khác của Bao Công như "Chém Bao Miễn", "Xử án Trần Thế Mỹ", "Trảm Bàng Dục"... thì đều là tuồng tích. Như tra hết gia phả cũng như khu mộ gia tộc họ Bao không thấy có ai tên Bao Miễn. Bao Công lại là con một, không có anh em nên không thể có cháu ruột. Trần Thế Mỹ là nhân vật có thật nhưng lại ở vào đời Thanh, cách Bao Công đến hơn 600 năm. Bàng Thái sư (Bàng Tịch) trong phim được lấy hình tượng từ gian thần Trương Nghiêu Tá, nhưng trong lịch sử thì Bàng Tịch không phải là gian thần. Ông có con là Bàng Nguyên Anh, cháu là Bàng Cung Tôn đều làm quan, không có ai là Bàng Dục phạm tội bị Bao Công chém cả[11][12] Phim điện ảnhPhim truyền hình
Hậu duệHậu duệ chính thức của Bao Công khoảng 10.000 người ở các tỉnh An Huy, Chiết Giang, Giang Tây, Vân Nam, tập trung nhiều nhất ở 2 thôn Đại Bao và Tiểu Bao thuộc xã Giải Tập, huyện Phì Đông, tỉnh An Huy.[13] Hậu duệ của ông có nhiều người nổi tiếng:
Xem thêmChú thích
Liên kết ngoàiWikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Bao Công.
|