Địa thực vật cao tới 50 cm. Thân rễ màu vàng tươi, hình trứng-hình cầu, mùi thơm nồng; rễ mập. Lá 3 hoặc 4; bẹ lá màu đỏ; lưỡi bẹ 2 khe, khoảng 5 mm; cuống lá 7–16 cm, có rãnh; phiến lá màu xanh lục ở cả hai mặt, hình trứng-thuôn dài hoặc hình elip-hình mác, 25-50 × 7–12 cm, nhẵn nhụi ngoại trừ phần gân giữa có ít lông ở mặt xa trục, gốc lá thuôn tròn đến hình nêm, đỉnh nhọn đột ngột. Cụm hoa tận cùng trên các thân giả, xuất hiện từ trong các bẹ lá ở đỉnh, gần như không cuống, 3–7 cm; lá bắc hình mác, 4–5 cm. Hoa thơm. Đài hoa 1,5–2 cm, đỉnh có 2 khe. Tràng hoa màu hồng; ống tràng 4,5-5,5 cm; các thùy thuôn dài, 1,5–2 cm. Các nhị lép ở bên màu hồng nhạt, hình trứng ngược, khoảng 1,5 cm. Môi dưới màu trắng hoặc hồng với sọc tía, dài 2,5-3,5 cm, lõm, mép hơi nhăn, đỉnh nguyên. Chỉ nhị ngắn; phần phụ liên kết đảo ngược, 2 khe, 1–3 mm. Ra hoa tháng 7-8. Nhiễm sắc thể 2n = 36.[9]
Sử dụng
Loài này được sử dụng phổ biến ở Đông Nam Á như một nguyên liệu thực phẩm, một vị thuốc dân gian để điều trị một số bệnh như loét áp-tơ, khô miệng, đau bụng, khí hư và bệnh lỵ.[1]
Theo Phạm Hoàng Hộ, tại Việt Nam nó được sử dụng làm thuốc chữa đau bụng, đau mắt và mắt cườm.[4]
Lưu ý
Trong tiếng Trung thì Boesenbergia rotunda được gọi là "ao thần khương" (凹唇姜).[9][11] Tên gọi "nga truật" (莪朮) hay "bồng nga truật" (蓬莪朮) là để chỉ Curcuma phaeocaulis,[12][13] loài mà trước đây (và ngay cả cho tới gần đây) trong các tài liệu Trung văn thường bị định danh nhầm thành Curcuma zedoaria, nhưng C. zedoaria dường như không có ở Trung Quốc.
^ abPhạm Hoàng Hộ, 1999. Cây cỏ Việt Nam. Quyển III, mục từ 9536, trang 458. Nhà xuất bản Trẻ.
^Nguyễn Tiến Bân, Nguyễn Quốc Bình, Vũ Văn Cẩn, Lê Mộng Chân, Nguyễn Ngọc Chính, Vũ Văn Dũng, Nguyễn Văn Dư, Trần Đình Đại, Nguyễn Kim Đào, Nguyễn Thị Đỏ, Nguyễn Hữu Hiến, Nguyễn Đình Hưng, Dương Đức Huyến, Nguyễn Đăng Khôi, Nguyễn Khắc Khôi, Trần Kim Liên, Vũ Xuân Phương, Hoàng Thị Sản, Nguyễn Văn Tập, Nguyễn Nghĩa Thìn; Tên cây rừng Việt Nam; Nhà xuất bản Nông nghiệp - 2000; Trang 211.