Đỗ Thị Ngân Thương

Đỗ Thị Ngân Thương
Thông tin cá nhân
Biệt danh: Búp bê
Quốc gia đại diện: Việt Nam
Ngày sinh: 10 tháng 3, 1989 (35 tuổi)
Nơi sinh: Hà Nội, Việt Nam
Nơi ở: Hà Nội
Chiều cao: 146 cm (4,8 ft)
Môn: Thể dục dụng cụ nữ

Đỗ Thị Ngân Thương (sinh năm 1989) là vận động viên thể dục dụng cụ của Việt Nam. Tính đến thời điểm hết năm 2011, cô đã đoạt được 7 huy chương vàng SEA Games dưới màu áo tuyển Việt Nam tại các hạng mục của môn thể dục dụng cụ, và từng được đặc cách đại diện khu vực Đông Nam Á tham dự Thế vận hội mùa hè 2008 tổ chức tại Bắc Kinh. Do khuôn mặt bầu bĩnh và vóc dáng nhỏ nhắn, cô từng được giới truyền thông mệnh danh là cô gái búp bê hoặc búp bê vàng của thể thao Việt Nam.[1]

Thân thế và cơ duyên thể thao

Cô sinh ngày 10 tháng 3 năm 1989 tại Hà Nội) sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghiệp thể thao. Khi 6 tuổi, thấy con gái hay ốm nên mẹ cô đã đưa cô vào Trung tâm Thể thao Quần Ngựa để tập luyện cho thêm cứng cáp. Nhờ thần thái tinh anh cùng độ dẻo dai trời phú, trong một lần đến trường để tuyển chọn vận động viên cho môn thể dục dụng cụ chuẩn bị cho SEA Games 22, cô đã lọt "mắt xanh" của chuyên gia Trung Quốc Trương Kiến Minh.[2]

Sau thành công ở SEA Games 22, trên bước đường tiến tới trở thành một vận động viên thể dục dụng cụ chuyên nghiệp, cô rời Hà Nội sang Trung Quốc trực tiếp huấn luyện dưới sự dẫn dắt của các huấn luyện viên Trung Quốc.

Thành tích

Trong kỳ SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam, cô giành được 2 huy chương vàng, vô địch môn xà lệch đồng đội và cá nhân.

Tại SEA Games 23 tại Philippines, cô đạt 2 huy chương vàng cho nội dung toàn năng và nội dung cầu thăng bằng cá nhân, 1 huy chương bạc đồng đội. Trong đó đáng chú ý nhất là huy chương vàng toàn năng nhờ thi đấu xuất sắc cả bốn môn cầu thăng bằng, xà lệch, nhảy ngựathể dục tự do. Đây là chiếc huy chương mà thể dục dụng cụ Việt Nam đã chờ đợi rất lâu mới có được.[2]

Theo kết quả cuộc bình chọn 15 vận động viên xuất sắc Hà Nội 2005 công bố ngày 17 tháng 1 năm 2006, cô giành số điểm tuyệt đối (804) trên 54 phiếu bầu, để trở thành vận động viên xuất sắc nhất của Hà Nội năm 2005.[3]

Tại SEA Games 24 tổ chức tại Thái Lan, cô đã đạt 1 huy chương vàng cá nhân cho môn cầu thăng bằng, 1 huy chương bạc đồng đội và 1 huy chương đồng cá nhân, sau khi thất bại ở môn xà lệch.[4]

Sự kiện doping

Olympic Bắc Kinh 2008, cô được đặc cách đại diện cho khu vực Đông Nam Á thi đấu ở bộ môn thể dục dụng cụ[5], do đã đạt 5 huy chương vàng trong 3 kỳ SEA Games liên tiếp[6]. Tuy vậy, trước các đối thủ quá mạnh đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đợt thi vòng loại thể dục dụng cụ toàn năng cá nhân nữ, Ngân Thương chỉ đạt 52.100 điểm, xếp thứ 59 trong tổng số các vận động viên tham gia[7].

Kết quả kiểm tra doping của Ủy ban Olympic Bắc Kinh 2008 (IOC) đối với Ngân Thương cho thấy cô dùng furosemide, một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước, dẫn đến giảm cân.[7] Đây là một hoạt chất bị xếp vào danh mục các loại thuốc cấm sử dụng. Ngân Thương đã trở thành vận động viên thể dục dụng cụ đầu tiên bị trục xuất khỏi một kỳ Olympic vì sử dụng doping[7].

Tuy nhiên theo đánh giá của Arne Ljungqvist, trưởng ban y tế của Ủy ban Olympic quốc tế thì đây không phải là lỗi cố ý của Ngân Thương mà "có thể đây là hậu quả của việc thông tin nghèo nàn dành cho các vận động viên". Ông Ljungqvist cho rằng Ngân Thương còn quá nhỏ và không đủ kiến thức cần thiết về tất cả các chất cấm[7].

Trở về Hà Nội ngày 15 tháng 8 năm 2008 với tâm trạng buồn nản, Ngân Thương giải thích về sự kiện này trước báo giới: Trước khi lên đường dự Olympic Bắc Kinh, tôi thấy cơ thể mình hơi nặng nề nên quyết định dùng thêm thuốc lợi tiểu để giảm cân. Khi dùng tôi chỉ biết là thuốc lợi tiểu, còn không hề biết trong đó có chất nằm trong danh mục cấm của IOC[8]. Dù vậy, Ngân Thương phải chịu nhận án phạt cấm thi đấu 1 năm từ Liên đoàn Thể dục Thế giới.[9]

Trở lại bục vinh quang

Do sự cố này, cô không thể tham gia thi đấu tại SEA Games 25 tại Lào. Cô cũng tỏ ý từng có ý định giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, chuyên tâm theo học Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh)[10] chuyên ngành Huấn luyện viên Thể dục dụng cụ.[cần dẫn nguồn]

Năm 2010, cô tuyên bố chấm dứt sự nghiệp VĐV để chuyên tâm cho việc học. Tuy nhiên, thiếu những vận động viên trẻ đủ khả năng, cô phải trở lại đội tuyển tham dự SEA Games 26 dù đã vào độ tuổi lớn trong bộ môn. Dù đang bị chấn thương và không còn ở phong độ tốt, cô đã gây bất ngờ khi đoạt 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.[11]

Năm 2012, cô giành được suất dự Olympics Luân Đôn,[12] thi đấu nội dung cầu thăng bằng và xà lệch nhưng không giành được huy chương.[13] Sau đó cô tái phát chấn thương và phải nghỉ thi đấu trong một thời gian dài.[14]

Giải nghệ

Năm 2013, cô đã quyết định giải nghệ.[14] Năm 2014, cô hoàn thành chương trình tại Trường Đại học Thể dục thể thao quốc gia 1 và trở thành huấn luyện viên đội Thẻ dục dụng cụ trẻ Hà Nội.[15]

Chú thích

  1. ^ “Kỳ tích mang tên "Búp bê Vàng". Báo điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2022.
  2. ^ a b “Đỗ Thị Ngân Thương: Nhà vô địch tí hon”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2008.
  3. ^ “Đỗ Thị Ngân Thương - VĐV xuất sắc nhất 2005”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2013. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2008.
  4. ^ “VĐV Đỗ Thị Ngân Thương được bầu chọn là gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2011”. TRANG TIN ĐIỆN TỬ THỂ DỤC THỂ THAO VIỆT NAM. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2022.
  5. ^ "Búp bê" Ngân Thương dính doping”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2008.
  6. ^ Đỗ Thị Ngân Thương tham gia Cúp thế giới môn thể dục
  7. ^ a b c d Ngân Thương rời Olympic vì doping
  8. ^ “Ngân Thương: "Tôi vô tình dùng phải chất kích thích". Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 17 tháng 8 năm 2008.
  9. ^ “Búp bê TDDC Việt Nam kể chuyện dính doping vì làm đẹp”. ZingNews.vn. 8 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2022.
  10. ^ “Ngân Thương tuyên bố từ giã sự nghiệp”. Tuổi Trẻ Online. 11 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2022.
  11. ^ “Thót tim với bài thi của 'búp bê' Ngân Thương”. ZingNews.vn. 16 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2022.
  12. ^ baochinhphu.vn (21 tháng 4 năm 2012). “Ngân Thương giành suất chính thức dự Olympic London 2012”. Báo điện tử Chính phủ. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2022.
  13. ^ “Olympic 2012: Phong độ kém, 'búp bê' Ngân Thương chính thức bị loại”. Giáo dục Việt Nam. 30 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2022.
  14. ^ a b "Búp bê" Ngân Thương từ giã Thể dục dụng cụ”. dangcongsan.vn. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2022.
  15. ^ “Gặp lại búp bê Ngân Thương”. nld.com.vn. 11 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2022.