Đường Phạm Ngũ Lão, Thành phố Hồ Chí Minh

Ngã tư Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học – Nguyễn Thị Nghĩa
Trạm xe buýt Bến Thành trước đây với mặt trước hướng ra vòng xoay Quách Thị Trang, mặt sau là đường Phạm Ngũ Lão

Đường Phạm Ngũ Lão là một tuyến đường tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh[1]. Con đường này cùng với các con đường Bùi Viện, Đề Thám và Đỗ Quang Đẩu được biết đến với tên gọi "Phố Tây ba lô" do là khu vực có lượng du khách nước ngoài rất lớn.[2][3][4]

Vị trí

Đường Phạm Ngũ Lão bắt đầu từ vòng xoay nơi giao với hai con đường Nguyễn Trãi và Cống Quỳnh, đi cặp theo công viên 23 tháng 9 đến đường Trần Hưng Đạo rồi đi tiếp một đoạn đến đường Phó Đức Chính.[1]

Lịch sử

Đường này hình thành khi người Pháp xây dựng ga xe lửa Sài Gòn. Ban đầu đường tạm thời được gọi là rue Latérale Sud de la Gare (đường phía nam nhà ga), đến năm 1917 khi nhà ga đi vào hoạt động thì đường được đặt tên là rue Colonel Grimaud.[5]

Năm 1955, đường được đổi tên thành đường Phạm Ngũ Lão, tên gọi này được giữ nguyên đến hiện tại.[5][6] Thời Việt Nam Cộng hòa, đường Phạm Ngũ Lão còn được gọi là "phố báo chí" của Sài Gòn, do nằm dọc theo con đường tại khu vực này lúc bấy giờ có nhiều tòa soạn của các nhật báo, tuần báo, tạp chí và cả nhà xuất bản, phát hành, nhà in[7]. Khu vực các đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám và Bùi Viện còn có tên gọi là "Ngã tư quốc tế".[8][9]

Hồ nước trong công viên 23 tháng 9 ngày nay

Năm 1978, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quyết định di dời ga Sài Gòn về Quận 3, khu vực nhà ga cũ được cải tạo thành công viên 23 tháng 9 như hiện nay.[10]

Tình trạng tuyến đường

Khu vực "Phố Tây ba lô" là nơi kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ du lịch giá rẻ phục vụ du khách. Hiện nay dọc đường Phạm Ngũ Lão một bên là nhiều khách sạn lớn tiêu chuẩn, các nhà hàng, quán cà phê và công ty lữ hành, du lịch[2], bên kia là công viên 23 tháng 9 và Trung tâm thương mại Central Market tại tầng hầm khu B của công viên (trước đây có tên là Sense Market, là khu chợ ẩm thực và mua sắm dưới lòng đất đầu tiên của thành phố được đưa vào hoạt động từ năm 2017[11][12]).

Chú thích

  1. ^ a b “Bản đồ thành phố”. Cổng thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2022.
  2. ^ a b “Phố đi bộ Bùi Viện”. Sở du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2022.
  3. ^ “Những khu phố Tây nổi tiếng ở Việt Nam”. Báo điện tử VnExpress. 10 tháng 11 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2022.
  4. ^ “24h ở khu phố Tây Sài Gòn”. Báo điện tử VnExpress. 10 tháng 3 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 1 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2022.
  5. ^ a b Lược sử 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: 1698-1998. Nhà xuất bản Trẻ. 1999. tr. 96.
  6. ^ Xavier et Marie-Christine Guillaume (2004). La Terre du Dragon – Tome I. Paris: Publibook. tr. 61. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2023.
  7. ^ “Phố báo chí Sài Gòn trước năm 1975”. Tạp chí Môi trường và Đô thị điện tử. 29 tháng 6 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
  8. ^ “Phố đi bộ Bùi Viện - 'Con đường quốc tế' từ lâu rồi...”. Tuổi Trẻ Online. 27 tháng 8 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
  9. ^ “Ngã tư nổi tiếng đất Sài thành”. Báo Thanh Niên. 26 tháng 6 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2021. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
  10. ^ “10 công trình đầu tiên của Pháp ở Sài Gòn thay đổi sau 150 năm”. Báo điện tử VnExpress. 26 tháng 11 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2022.
  11. ^ “Sense Market của Saigon Co.op được tiếp tục hoạt động tại công viên 23-9”. Tuổi Trẻ Online. 26 tháng 4 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
  12. ^ “TPHCM: Khu chợ trong lòng đất Sense Market chính thức đổi tên thành Central Maket”. Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. 21 tháng 9 năm 2019.

Liên kết ngoài

Xem thêm