Đông Quán Hán ký

Đông Quán Hán ký (chữ Hán: 东观汉记), người đời Hán gọi là Đông Quán ký, là bộ sách theo thể kỷ truyện ghi lại lịch sử đời Đông Hán, từ thời Hán Quang Vũ Đế đến thời Hán Linh Đế. Đây là tác phẩm lịch sử ghi chép các sự kiện đương đại bậc nhất của Trung Quốc, từ đời Đường về trước được xem là sử liệu chính thức, cùng Sử kýHán thư gọi là Tam sử, cho đến khi bị thay thế bởi Hậu Hán thư của Phạm Diệp (xem mục tham khảo ở dưới).

Do sử quán bấy giờ được đặt tại Đông Quán, nên mới có tên như vậy.

Các soạn giả

Lưu Trân là tổng tài quan chính thức đầu tiên nên được thường nhắc đến, nhưng Đông Quán Hán ký là tác phẩm lịch sử đương đại, trải qua nhiều lần biên soạn bổ túc, các soạn giả được biết đến gồm có: Ban Cố, Trần Tông, Doãn Mẫn, Mạnh Dị, Lưu Trân, Lý Vưu, Lưu Đào Đồ, Phục Vô Kỵ, Hoàng Cảnh, Biên Thiều, Thôi Thực, Chu Mục, Tào Thọ, Diên Đốc, Mã Mật Đê, Thái Ung, Dương Bưu, Lư Thực, Hàn Thuyết, Lưu Hồng [1]; ngoài ra còn có Lưu Phục, Giả Quỳ, Mã Nghiêm, Đỗ Phủ, Lưu Nghị, Vương Dật, Đặng Tự, Trương Hoa [2].

Quá trình biên soạn

Đông Quán Hán ký trước sau có 4 lần biên soạn bổ túc:

  1. Thời Minh đế, Ban Cố cùng 3 người Trần Tông, Doãn Mẫn, Mạnh Dị thụ mệnh biên soạn Thế tổ bản kỷ, ghi chép cố sự về công thần của Quang Vũ đế và Lục Lâm, Tân Thị, Công Tôn Thuật, làm ra 28 thiên liệt truyện, tái ký [3], còn có sự tham gia của 4 người Đỗ Phủ, Mã Nghiêm, Lưu Phục, Giả Quỳ [4]. Đây là lần biên soạn sơ bộ của Đông Quán Hán ký.
  2. Trong những năm Vĩnh Ninh (120 – 121) thời An đế, Đặng thái hậu hạ chiếu mệnh cho bọn Lưu Trân, Lý Vưu, Lưu Đào Đồ (con Lưu Phục), Lưu Nghị trước tác Trung hưng dĩ hạ danh thần liệt sĩ truyện, ngoài ra còn có các ghi chép về Kỷ, Biểu, Ngoại thích... bắt đầu từ niên hiệu Kiến Vũ (25 – 56) đến niên hiệu Vĩnh Sơ (107 – 113). Bộ sách bắt đầu được gọi là Hán ký. Không lâu sau, địa điểm công tác được dời đến Đông Quán thuộc Nam Cung. Sau đó Lưu Trân, Lý Vưu nối nhau qua đời, bọn Phục Vô Kỵ, Hoàng Cảnh phụng mệnh tiếp tục biên soạn các ghi chép về Chư vương, Vương tử, Công thần, Ân trạch hầu biểu, Hung Nô Nam Thiền vu, Tây Khương truyện, Địa lý chí. Đây là lần biên soạn quy mô đầu tiên [5].
  3. Năm Nguyên Gia đầu tiên (151) thời Hoàn đế, Biên Thiều, Thôi Thực, Chu Mục, Tào Thọ thụ mệnh tiếp tục biên soạn Hiếu Mục hoàng truyện [1], Hiếu Sùng hoàng truyện [2]Thuận Liệt hoàng hậu truyện[3]; còn cố sự về An Tư hoàng hậu và những người liên quan[4] vào Ngoại thích truyên; những người như Thôi Triện vào Nho lâm truyện. Thôi Thực, Tào Thọ lại cùng Diên Đốc làm Bách quan biểu và truyện về các công thần của Thuận đếTôn Trình, Quách Trấn, còn có truyện về Trịnh Chúng, Thái Luân. Tổng cộng đã soạn được 114 thiên [6].
  4. Trong những năm Hi Bình (172 – 178), bọn Thái Ung, Mã Mật Đê, Dương Bưu, Lư Thực, Hàn Thuyết, Lưu Hồng kế tục việc soạn sách, làm Linh đế kỷ và 42 thiên liệt truyện. Thái Ung dựa vào bản thảo Cựu nghi của thầy là Hồ Quảng mà soạn thành bản thảo Thập chí. Sau khi vào Đông Quán, Ung lập tức cùng Trương Hoa, Lưu Hồng tiếp tục biên soạn 10 chí. Nhưng Thái Ung bị đày đi Sóc Phương, dâng thư xin về để tiếp tục biên soạn, sau khi được trở về đã hoàn thành 10 ý (kiêng húy Hoàn đế Lưu Chí). Gặp lúc Đổng Trác dời đô, rất nhiều sách vở bị hủy hoại và thất lạc. Năm Kiến An đầu tiên (196) thời Hiến đế, Dương Bưu tiến hành tổng chỉnh lý Hán ký – cũng là lần sau cùng – nhưng không thể tìm lại hay bổ khuyết nhưng văn bản đã mất [7] [8].

Quá trình lưu truyền

Tên gọi Hán ký tiếp tục được dùng trong giai đoạn Tam QuốcLưỡng Tấn, đến Nam Bắc triều mới đổi là Đông Quán Hán ký. Từ đời Tấn, Đông Quán Hán ký cùng Sử kýHán thư hợp thành Tam sử, thành ra nhắc đến trước tác về lịch sử Đông Hán thì không thể bỏ qua bộ sách này [9] [10].

Đông Quán Hán ký sang đời Tùy còn đến 143 quyển [11], sang đời Đường còn 127 hoặc 126 quyển [12]. Từ đời Đường về sau, Đông Quán Hán ký bị Hậu hán thư thay thế trong vai trò tác phẩm lịch sử chính thức về đời Đông Hán [13]. Sang đời Tống còn 43 quyển, sau sự biến Tĩnh Khang chỉ giữ được 8 quyển. Sang đời Nguyên hầu như không còn quyển nào nguyên vẹn [14].

Quá trình thu nhặt

Người thời Khang Hi nhà ThanhDiêu Chi Nhân dựa trên những tàn dư mà bản thân sưu tầm được, tham khảo sử liệu từ 5 bộ sách là Tư Mã Bưu, Tục Hán thưThập chí [bản do Lưu Chiêu đời Lương chú giải]; Phạm Diệp, Hậu Hán thư [bản do Chương Hoài thái tử Lý Hiền đời Đường chú giải]; Ngu Thế Nam đời Tùy, Bắc Đường thư sao; Âu Dương Tuân (đời Đường, tổng biên), Nghệ văn loại tụ; Từ Kiên đời Đường, Sơ học ký mà soạn thành 840 bài văn trong 8 quyển, gọi là Diêu tập bản. Bản này bị sử quan đời Thanh cho là vừa rườm rà (bởi sử liệu không được chọn lọc và sắp xếp hợp lý) vừa khiếm khuyết (bởi nguồn sử liệu hạn chế).

Sử quan thời Càn Long lấy Diêu tập bản làm cơ sở, tham khảo Thái Bình ngự lãm (đời Tống), Vĩnh Lạc đại điển (đời Minh), sửa chữa, bổ túc và hiệu đính thành 24 quyển: Đế kỷ 3 quyển, Niên biểu 1 quyển, Chí 1 quyển, Liệt truyện 17 quyển, Tái ký 1 quyển, còn có Dật văn 1 quyển, đưa vào Vũ Anh Điện tụ trân tùng thư, gọi tắt là Tụ trân bản. Bản này bị người đương đại Ngô Thụ Bình cho là vẫn còn khiếm khuyết về mặt sử liệu, cố gắng thống nhất về văn phong đã làm mất đi tính nguyên bản, chú giải không đặt liền sau mỗi bài gây khó khăn cho độc giả.

Mục lục

Trên cơ sở Tụ trân bản và mở rộng nguồn sử liệu để tham khảo, Ngô Thụ Bình đã biên soạn Đông Quán Hán ký hiệu chú gồm 22 quyển:

Đánh giá

Đông Quán Hán ký là thành quả của nhiều soạn giả, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, nên không tránh khỏi khuyết điểm thiếu nhất quán về mặt văn phong. Theo tác giả đời Tấn là Phó Huyền thì tác phẩm này lẫn lộn và tạp nhạp, cho thấy khuyết điểm thiếu nhất quán về mặt lựa chọn và sắp xếp sử liệu; đó cũng là nguyên nhân mà Hậu Hán thư – có kết cấu hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn – đã giành được vị trí của Đông Quán Hán ký trong lịch sử Trung Quốc.

Nhưng Đông Quán Hán ký lại là tác phẩm lịch sử đương đại, các soạn giả có được nguồn sử liệu vô cùng phong phú và rất đáng tin cậy. Những mất mát của Đông Quán Hán ký cũng chính là những mất mát của lịch sử Trung Quốc.

Tham khảo

  1. ^ Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, quyển 50, Đông Quán Hán ký (TKTT50).
  2. ^ Dư Gia Tích, Tứ khố đề yếu biện chánh, quyển 5, Biệt sử loại.
  3. ^ Xem TKTT50 dẫn từ Hậu Hán thư, quyển 40 (hạ), Liệt truyện (30 hạ), Ban Cố truyện; và dẫn từ Lưu Tri Kỷ, Sử thông, Cổ kim chính sử thiên.
  4. ^ Xem TKTT50 dẫn từ Hậu Hán thư, quyển 24, Liệt truyện 14, Mã Viện truyện (phụ Mã Nghiêm truyện); quyển 14, Liệt truyện 4, Bắc Hải Tĩnh vương Hưng truyện; dẫn từ Lưu Tri Kỷ, Sử thông, Hạch tài thiên; dẫn từ Thái Bình ngự lãm, quyển 184 (dẫn từ chính Đông Quán Hán ký).
  5. ^ Xem TKTT50 dẫn từ Hậu Hán thư quyển 60 hạ, Liệt truyện 50 hạ - Thái Ung truyện, bản do Đường Chương Hoài thái tử Lý Hiền chú giải, 10 ý được biết có Luật lịch, Lễ, Nhạc, Giao tự, Thiên văn, Xa phục; Lưu Tri Kỷ - Sử thông cho biết thêm 1 ý là Triều hội (còn 3 ý không rõ).
  6. ^ Tư Mã Bưu, Tục Hán thưQuận quốc chí: Nay ghi lại sự đổi khác của quận huyện từ thời Trung hưng về sau, rồi hiệp với Xuân Thu, tam sử, làm rõ những địa danh bị chinh phạt.
  7. ^ Bùi Tùng Chi chú giải Tam quốc chí quyển 54, Ngô chí quyển 9 – Lữ Mông truyện dẫn từ Ngu Phổ, Giang biểu truyện: Quyền nói với Mông rằng: "Cô từ khi nắm quyền, đọc tam sử, binh pháp các nhà, có lợi ích rất lớn."
  8. ^ Tùy thư quyển 33, chí 28 – Kinh tịch chí 2: Đông Quán Hán ký, 143 quyển, bắt đầu ghi chép từ thời Quang Vũ cho đến Linh đế, bọn Trường Thủy hiệu úy Lưu Trân soạn.
  9. ^ Cựu Đường thư quyển 46, chí 26 – Kinh tịch chí thượng: Đông Quán Hán ký, 127 quyển, Lưu Trân soạn. Tân Đường thư quyển 58, chí 48 – Nghệ văn chí 2: Đông Quán Hán ký, 126 quyển.
  10. ^ Tiền Đại Hân, Thập giá trai dưỡng tân lục quyển 6, trang 119: ...từ đời Đường về sau, Đông Quán Hán ký thất truyền, nên lấy sách của Phạm Úy Tông làm một trong Tam sử.

Xem thêm

Chú thích

  1. ^ Tức Hà Gian Hiếu vương Lưu Khai, ông nội của Hoàn đế
  2. ^ Tức Lễ Ngô hầu Lưu Dực, con trai thứ sáu của Lưu Khai, cha của Hoàn đế
  3. ^ Tức thái hậu Lương Nạp – em gái quyền thần Lương Ký – là người đã đưa Hoàn đế Lưu Chí lên ngôi
  4. ^ Tức thái hậu Diêm Cơ và bè đảng ngoại thích họ Diêm: Hiển, Diệu, Yến