USS Samuel B. Roberts (DE-413)
USS Samuel B. Roberts (DE-413) là một tàu hộ tống khu trục lớp John C. Butler của Hải quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Con tàu được đặt theo tên của hạ sĩ quan Samuel B. Roberts (1921-1942), người được truy tặng Huân chương Chữ thập Hải quân vì sự dũng cảm quên mình trong một trận đánh ở Guadalcanal. Samuel B. Roberts bị đánh chìm vào ngày 25 tháng 10 năm 1944 trong trận hải chiến ngoài khơi Samar, sau khi cùng một lực lượng tàu chiến nhỏ của Hải quân Hoa Kỳ ngăn chặn thành công một hạm đội hùng mạnh của Nhật Bản có ý định tiến vào vịnh Leyte của Philippines để tấn công hạm đội đổ bộ của quân đội Đồng Minh. Con tàu thuộc biên chế Đơn vị Đặc nhiệm 77.4.3, hay "Taffy 3", một nhóm tác chiến chỉ có tàu khu trục, tàu hộ tống khu trục và tàu sân bay hộ tống. "Taffy 3" đã vô tình bị bỏ lại và phải chống trả trước hạm đội hùng mạnh của Phó Đô đốc Kurita Takeo ở ngoài khơi đảo Samar, trong Hải chiến Vịnh Leyte vào tháng 10 năm 1944.[1] Samuel B. Roberts đã kiên cường chiến đấu, ghi nhận bắn trúng một quả ngư lôi và nhiều phát đạn vào các tàu chiến Nhật Bản trước khi bị bắn chìm. Sau trận đánh, Samuel B. Roberts được biết đến là "tàu hộ tống khu trục chiến đấu như một thiết giáp hạm."[1] Vào tháng 6 năm 2022, Samuel B. Roberts trở thành xác tàu đắm sâu nhất từng được phát hiện.[2] Nguồn gốc tên gọiSamuel Booker Roberts, Jr. sinh ngày 12 tháng 5 năm 1921 ở San Francisco, California. Anh gia nhập Hải quân Trừ bị Hoa Kỳ vào năm 1939 và được gọi phục vụ vào năm 1940. Anh từng phục vụ trên thiết giáp hạm USS California, tàu chở quân USS Heywood trước khi được thuyên chuyển về tàu vận tải tấn công USS Bellatrix.[3] Năm 1942, tàu Bellatrix tham gia hỗ trợ chiến dịch đổ bộ của quân Đồng Minh vào Guadalcanal, và sau đó, Roberts đã tình nguyện gia nhập một nhóm Kiểm soát Bãi biển đóng tại Mũi Lunga. Đơn vị này bao gồm các thủy thủ của Hải quân và Tuần duyên Hoa Kỳ, và họ có nhiệm vụ vận chuyển các đơn vị Thủy quân Lục chiến và tiếp tế hàng hóa đến các bãi biển dọc bờ biển phía bắc của hòn đảo, và tham gia sơ tán lính Thủy quân Lục chiến bị thương ra khỏi chiến trường.[3] Sáng sớm ngày 27 tháng 9 năm 1942, Roberts tình nguyện tham gia nhiệm vụ giải cứu Đại đội A và B của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Thủy quân Lục chiến số 7, đang bị bao vây bởi quân đội Nhật Bản ở một bãi biển cách Mũi Lunga khoảng một dặm về phía bắc. Một số xuồng Higgins của nhóm cứu hộ đã bị quân Nhật bắn cháy khi đang cố tiếp cận bãi biển. Đứng trước nguy cơ thất bại dường như là rất lớn của nhiệm vụ giải cứu, Roberts đã lái chiếc xuồng Higgins của anh thẳng về vị trí của lính Nhật để thu hút sự chú ý của họ, tạo điều kiện cho các xuồng khác di tản các nhóm Thủy quân Lục chiến ra khỏi bãi biển. Tuy nhiên, khi đang chuẩn bị rút lui, xuồng của Roberts bị trúng đạn và một viên đạn đã bắn trúng cổ của Roberts. Anh được đồng đội đưa về căn cứ và sau đó được di tản khỏi hòn đảo, nhưng không qua khỏi vào buổi tối cùng ngày vì vết thương quá nặng.[3] Vì sự dũng cảm quên mình "đã góp phần dẫn đến sự thành công của chiến dịch giải cứu", Samuel B. Roberts được truy tặng Huân chương Chữ thập Hải quân vào ngày 10 tháng 2 năm 1943.[3][4] Thiết kếLớp tàu hộ tống khu trục John C. Butler được thiết kế để đáp ứng nhu cầu về việc cần một số lượng lớn tàu hộ tống săn ngầm giá rẻ làm nhiệm vụ bảo vệ các đoàn tàu vận tải, nên chúng được trang bị khá ít hệ thống vũ khí chống hạm. Lớp John C. Butler là một phần của chương trình 720 tàu hộ tống dự kiến hoàn thành vào năm 1944, nhưng con số này sau đó đã được giảm xuống.[5] Samuel B. Roberts có chiều dài tổng thể là 93,3 mét với sườn ngang rộng 11,18 mét và mớn nước là 4,1 mét. Con tàu có mức choán nước tiêu chuẩn là 1.350 tấn Anh (1.372 tấn) và 1.745 tấn Anh (1.773 tấn) khi đầy tải. Thủy thủ đoàn của tàu bao gồm 14 sĩ quan và 201 thủy thủ.[6] Động cơ đẩy của Samuel B. Roberts bao gồm hai tuốc bin hơi nước Westinghouse được cấp năng lượng từ hai nồi hơi "D" Express, để có thể tạo ra mức công suất 12.000 shp (8.900 kW) và đạt được tốc độ di chuyển tối đa 24 knot (44 km/h, 28 mph). Con tàu có tầm hoạt động tiêu chuẩn là 6.000 hải lý ở vận tốc 12 knot (22 km/h).[6] Vũ khí và hệ thống điện tửPháo chính của Samuel B. Roberts là hai pháo đa dụng Mark 12 5-inch/38-cal được lắp trong hai tháp pháo đơn kín, một tháp đặt ở khu vực mũi tàu và tháp còn lại đặt ở khu vực đuôi tàu, phía sau hệ thống thượng tầng. Pháo Mark 12 5-inch/38 cal có khả năng chống hạm và phòng không, và được dẫn bắn bởi Hệ thống Kiểm soát Hỏa lực Mark 51. Ngoài ra, con tàu được lắp đặt hai ụ pháo phòng không 40 mm Bofors hai nòng ở phía sau mỗi khẩu pháo 5-inch, và mười pháo phòng không 20 mm Oerlikon nòng đơn, tất cả đều được dẫn bắn bởi Hệ thống Mark 51.[5] Samuel B. Roberts được trang bị một bệ phóng ngư lôi 21-inch gồm ba ống phóng, và hệ thống chống ngầm bao gồm hai ray thả mìn chống ngầm Mark 9, tám máy phóng mìn chống ngầm Mark 6 "K-Gun" và một súng cối chống ngầm Mark 10 Hedgehog. Cảm biến điện tử của tàu bao gồm hệ thống sonar QC,[6] radar dò tìm mặt biển SL[7] và radar cảnh giới bầu trời SA.[8] Lịch sử hoạt độngSamuel B. Roberts được đặt lườn vào ngày 6 tháng 12 năm 1943 ở Công ty Đóng tàu Brown ở Houston, Texas. Con tàu được hạ thủy vào ngày 20 tháng 1 năm 1944 và được đỡ đầu bởi Bà Anna Roberts, mẹ của hạ sĩ quan Samuel Booker Roberts. Samuel B. Roberts nhập biên chế ngày 28 tháng 4 năm 1944 dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng, Thiếu tá Robert W. Copeland. Samuel B. Roberts bắt đầu đợt huấn luyện ở ngoài khơi Bermuda từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 19 tháng 6 năm 1944. Sau một thời gian ở Xưởng Hải quân Boston, Samuel B. Roberts bắt đầu khởi hành đến Norfolk, Virgina vào ngày 7 tháng 7. Trong ngày hôm đó, con tàu báo cáo có thể đã va chạm với một con cá voi, khiến chân vịt bên phải tàu bị bẻ cong. Công việc sửa chữa được hoàn thành trước ngày 11 tháng 7, và con tàu rời Norfolk ngày 22 tháng 7. Samuel B. Roberts đi qua Kênh đào Panama ngày 27 tháng 7 và gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương tại Trân Châu Cảng vào ngày 10 tháng 8 năm 1944.[9] Con tàu tiếp tục các đợt huấn luyện ở khu vực xung quanh Quần đảo Hawaii đến khi bắt đầu nhiệm vụ hộ tống một đoàn vận tải đến Eniwetok vào ngày 30 tháng 8. Ngày 2 tháng 9, Samuel B. Roberts hộ tống một đoàn vận tải về Trân Châu Cảng và cập bến vào ngày 10 tháng 9. Sau một vài buổi huấn luyện tăng cường, con tàu tiếp tục nhiệm vụ hộ tống một đoàn vận tải đến Eniwetok vào ngày 21 tháng 9, và đến nơi vào ngày 30 tháng 9. Samuel B. Roberts sau đó khởi hành về Đảo Manus thuộc Quần đảo Admiralty ở Tây Nam Thái Bình Dương, và được biên chế vào Đơn vị Đặc nhiệm 77.4.3 (Task Unit 77.4.3), có mật danh "Taffy 3". Con tàu sau đó cùng Taffy 3 di chuyển về Vịnh Leyte của Phillipines, và bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ với Liên đoàn Hỗ trợ Hỏa lực Trên không Khu vực Phía Bắc (NASG) ở ngoài khơi Đảo Samar.[9] Hải chiến ngoài khơi SamarTrước bình minh ngày 25 tháng 10 năm 1944, Samuel B. Roberts tiếp tục nhiệm vụ hộ tống như thường lệ, trong khi các tàu sân bay hộ tống của Taffy 3 chuẩn bị phóng máy bay làm nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị Lục quân Hoa Kỳ đang tiến công ở Phillipines. Khi Taffy 3 đang di chuyển về phía đông Samar, họ chạm trán với Lực lượng Trung tâm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Đây là hạm đội hùng mạnh nhất trong tổng số ba hạm đội chủ lực được người Nhật triển khai vào Philippines theo Kế hoạch Shō-Go (Shō-Itchi-Go, Chiến dịch Victory One). Dưới sự chỉ huy của Phó Đô đốc Kurita Takeo, đơn vị hùng mạnh gồm bốn thiết giáp hạm, sáu tàu tuần dương hạng nặng, hai tàu tuần dương hạng nhẹ và 11 tàu khu trục, đã tấn công và truy đuổi Taffy 3. Trong khi các tàu sân bay hộ tống của Taffy 3 bắt đầu rút chạy về phía đông, lúc 07:40, Thiếu tá Robert W. Copeland, thông qua hệ thống loa thông báo, đã thông báo cho toàn bộ thủy thủ đoàn của mình:
Dưới sự bao phủ của khói từ những chiếc tàu khu trục, Samuel B. Roberts thoát khỏi sự chú ý của người Nhật. Không muốn thu hút toàn bộ sự chú ý của người Nhật vào con tàu nhỏ bé của ông, Copeland liên tiếp từ chối lệnh nổ súng của Sĩ quan Pháo thủ - Đại úy William "Bill" Burton. Copeland không muốn phung phí bất cứ viên đạn 5-inch nào, dù các mục tiêu đều trong tầm ngắm và có thể thấy rõ ràng, nhưng khoảng cách vẫn còn rất xa, và ông có ý định phóng ngư lôi ở khoảng cách 4,6 kilômét. Burton liên tiếp yêu cầu nổ súng nhiều đến mức Copeland phải hét lên "Chết tiệt, anh Burton, tôi sẽ cho anh biết khi nào cần phải nổ súng."[11] Một viên đạn lạc, có thể xuất phát từ một tàu khu trục gần đó, đã bắn trúng cột buồm của Samuel B. Roberts và vô hiệu hóa máy phóng ngư lôi lúc 08:00. Sau khi khôi phục lại máy phóng, ở khoảng cách 3,7 kilômét, Samuel B. Roberts phóng ngư lôi vào Chōkai mà không bị Chōkai bắn trả. Sau khi thay đổi lộ trình di chuyển, Samuel B. Roberts biến mất trong làn khói. Hoa tiêu báo cáo rằng có ít nhất một quả ngư lôi đã bắn trúng, và khiến chiếc Chōkai thất tốc và dạt vào bên rìa của đội hình lúc 08:23.[12][13] Lúc 08:10, Samuel B. Roberts đang ở rìa của đội tàu sân bay hộ tống. Qua làn khói và cơn mưa dày đặc, tàu tuần dương hạng nặng Chikuma xuất hiện, bắn toàn lực vào đội tàu sân bay. Copeland cho đổi hướng di chuyển và nói với Burton "Anh Burton, anh có thể nổ súng".[14] Samuel B. Roberts và Chikuma bắt đầu đấu pháo nhau. Bị ép vào khoảng cách gần với tốc độ bắn chậm, Chikuma gặp nhiều khó khăn trong việc bắn vào các con tàu nhỏ và nhanh nhẹn của đối phương,[Note 1] trong khi đó Samuel B. Roberts không gặp khó khăn về vấn đề tốc độ bắn như Chikuma. Trong suốt 35 phút, ở khoảng cách 4,8 kilômét, Samuel B. Roberts đã bắn gần như toàn bộ cơ số đạn 5-inch ở trên tàu vào chiếc Chikuma - hơn 600 viên đạn. Chikuma chịu hư hại nặng dọc con tàu. Hệ thống thượng tầng của tàu bị "biến dạng" sau khi trúng đủ các loại đạn liên tục, từ những viên xuyên giáp, đạn nổ mạnh, đạn cao xạ 20–40 mm tới cả những viên pháo sáng, tạo đám cháy lớn trên con tàu.[15] Đài chỉ huy của Chikuma gần như không còn, cháy lớn xuất hiện dọc hệ thống thượng tầng và tháp pháo số ba đã bị vô hiệu hóa.[16] Tuy vậy, Chikuma không ở đó một mình, và ngay sau đó, hàng loạt các cột nước đủ màu sắc bốc lên xung quanh chiếc Samuel B. Roberts, tức là con tàu đang ở trong tầm bắn của Yamato, Nagato và Haruna. Để tránh các loạt đạn đó, Copeland cho tàu lùi hết tốc lực, tuy nhiên lúc đó con tàu đã trở thành một mục tiêu ngon lành cho tàu chiến Nhật. Lúc 08:51, con tàu trúng một loạt đạn từ tàu tuần dương của Nhật, làm hỏng một động cơ của tàu. Thất tốc xuống còn 31 km/h, Samuel B. Roberts bắt đầu trúng đạn liên tục hơn trước. Thiết giáp hạm Kongō bắn một loạt kết liễu chiếc Samuel B. Roberts lúc 09:00, vô hiệu hóa nốt động cơ còn lại. Chết đứng giữa biển và chìm dần, sứ mệnh của Samuel B. Roberts trong trận đánh đã kết thúc.[17][18] Lúc 09:35, Thiếu tá Copeland ra lệnh bỏ tàu. Samuel B. Roberts chìm 30 phút sau đó, đem theo sinh mạng của 90 thành viên thủy thủ đoàn.[Note 2] Do vấn đề liên lạc của Đệ Thất Hạm đội và e ngại sự phục kích của tàu ngầm Nhật Bản, 120 người sống sót của Samuel B. Roberts đã tập trung xung quanh ba phao cứu sinh được nối lại với nhau suốt hơn 50 giờ trước khi được giải cứu.[19][20] Cuối cùng, các đơn vị tàu thuộc Nhóm Đặc nhiệm 78.12 (Task Group 78.12 - TG 78.12) xuất hiện, và các thuyền trưởng của TG 78.12 đã dùng một phương pháp phân biệt bạn và thù tiêu chuẩn hồi đó - đặt câu hỏi về chủ đề thể thao của quốc gia họ.[21]
Samuel B. Roberts được xóa tên khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 27 tháng 11 năm 1944.[9] Phần thưởng và vinh danhSamuel B. Roberts cùng các tàu chiến khác của Taffy 3 được trao thưởng danh hiệu Đơn vị Tuyên dương Tổng thống "vì sự dũng cảm phi thường trong việc chống lại một lực lượng hùng mạnh của Hải quân Nhật Bản trong trận hải chiến ở ngoài khơi Samar, Philippines, ngày 25 tháng 10 năm 1944." Ngoài ra, con tàu được tặng thưởng một Ngôi sao Chiến trận cho thời gian phục vụ của tàu ở Mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.[9] Hạ sĩ pháo thủ Paul H. Carr là chỉ huy khẩu đội pháo 5-inch số 52 nằm ở đuôi tàu. Khẩu pháo này đã bắn gần như toàn bộ 325 viên đạn pháo trong vòng 35 phút trước khi một túi thuốc súng phát nổ vì sức nóng của khẩu pháo. Trung sĩ Chalmer Goheen - một thợ máy của tàu, đã tìm thấy Carr trong lúc đi tìm kiếm người sống sót ở trong khẩu pháo số 52. Goheen tìm thấy Carr trong bộ dạng quần áo rách tươm và thương tích khắp người, trong khi đang chật vật nạp nốt viên 5-inch cuối cùng vào khẩu pháo.[24] Anh cầu xin Goheen giúp anh nạp nốt viên đạn đó nhưng Goheen từ chối. Goheen sau đó bế Carr ra khỏi khẩu pháo và đưa lên boong chính để chuẩn bị rời tàu. Goheen tiếp tục quay lại khẩu pháo số 52 để tìm thêm người sống sót. Anh tìm thấy James Gregory, đã bị mất cả hai chân và cõng Gregory lên boong tàu. Tiếp tục quay trở lại khẩu pháo, Goheen phát hiện ra Carr đã quay trở lại từ lúc nào, tiếp tục chật vật đưa viên đạn 5-inch cuối cùng vào khẩu pháo đã bị hỏng. Một lần nữa, Goheen bỏ viên đạn khỏi tay Carr và bế người thủy thủ tàn tạ đó lên trên boong tàu, nơi Carr trút hơi thở cuối cùng.[25] Paul H. Carr sau này được truy tặng Huân chương Sao Bạc. Nhằm để vinh danh Carr, tên anh được dùng để đặt cho một con tàu frigate mang tên lửa lớp Oliver Hazard Perry.[26][27] Thuyền trưởng Samuel B. Roberts, Thiếu tá Robert W. Copeland được trao thưởng Huân chương Chữ Thập Hải quân "vì sự dũng cảm phi thường khi đang đảm nhiệm vai trò thuyền trưởng của USS Samuel B. Roberts (DE-413), trong trận đánh chống lại một lực lượng hùng mạnh của Hải quân Nhật Bản ở ngoài khơi Samar, Philippines, ngày 25 tháng 10 năm 1944."[28][29] Một tàu frigate lớp Oliver Hazard Perry đã được đặt theo tên của Copeland để vinh danh ông.[30] Tưởng niệm
Phát hiệnTháng 6 năm 2022, một nhóm thám hiểm đại dương của nhà thám hiểm Victor Vescovo, gồm các nhân viên của công ty Caladan Oceanic và EYOS Expeditions, đã công bố tìm thấy xác của Samuel B. Roberts. Nhóm nghiên cứu này đã tìm kiếm, xác định và khảo sát xác tàu trong sáu đợt lặn liên tục được tiến hành từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 6 năm 2022. Máy phóng ngư lôi của Samuel B. Roberts được tìm thấy vào ngày 18 tháng 6 năm 2022.[31] Sáu ngày sau, ngày 24 tháng 6, xác của Samuel B. Roberts chính thức được tìm thấy. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng con tàu đã chìm trong tình trạng khá nguyên vẹn đến khi chạm đáy đại dương. Cú va chạm đã khiến phần mũi tàu bị biến dạng nhẹ, phần đuôi tàu bị gãy ra và nằm cách phần thân chính khoảng 5 mét. Nhóm nghiên cứu cũng nói thêm họ có thể thấy rõ chiếc cột buồm đã bị đổ sập của Samuel B. Roberts (gây ra do đạn pháo Nhật trong trận đánh), và tìm thấy được những bằng chứng cho thấy con tàu đã chịu đựng những thiệt hại được gây ra bởi đạn pháo của thiết giáp hạm Nhật.[32][33][34]
Samuel B. Roberts nằm thẳng đứng và được bảo quản khá tốt ở độ sâu 6.895 mét so với mặt nước biển, trở thành xác tàu đắm sâu nhất từng được phát hiện, vượt quá kỷ lục trước đó là 6.469 mét (21.224 ft; 4.020 mi), được thiết lập vào tháng 3 năm 2021 khi nhóm của Vescovo tìm thấy và xác định được xác của tàu khu trục USS Johnston - cũng bị đánh chìm trong cùng trận đánh với chiếc Samuel B. Roberts.[34][35] Tham khảoGhi chú
Chú thích
Sách tham khảo
Đọc thêm
Liên kết ngoài
|